In bài viết

Y tế cơ sở 'thay da đổi thịt'

(Chinhphu.vn) – Hơn 410 công trình là các trạm y tế xã được xây mới và nâng cấp, các trung tâm y tế trên địa bàn 109 huyện/thị xã của 13 tỉnh trên cả nước đã hoàn thành đưa vào hoạt động và bước đầu có hiệu quả, người dân địa phương chính là đối tượng được hưởng thụ.

05/07/2024 15:54

Dự án ‘‘Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở’’ sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng thế giới được triển khai thực hiện từ năm 2020. Đây được xem là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Y tế nói chung, đặc biệt đối với mạng lưới y tế cơ sở của 13 tỉnh khó khăn về kinh tế xã hội trên cả nước tham gia Dự án.

Y tế cơ sở 'thay da đổi thịt'- Ảnh 1.

Trạm y tế xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộc, tỉnh Quảng Trị được đầu tư xây mới theo Dự án - Ảnh: VGP/HM

Ưu tiên nguồn lực đầu tư và trao quyền cho địa phương

Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - người sát cánh cùng y tế cơ sở trên cả nước trong nhiều năm nay cho biết, Dự án này được thiết kế nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh tham gia Dự án.

Với tổng kinh phí khoảng 120 triệu USD, chiến lược đầu tư tương đối toàn diện, Dự án được đánh giá có tổng mức đầu tư lớn của ngành Y tế. Điều này phản ánh chiến lược của ngành Y tế trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mạng lưới cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu tại những địa bàn khó khăn trên cả nước.

Đây cũng được xem là một trong những dự án đầu tiên của ngành Y tế thực hiện theo mô thức quản trị mới, với quyền chủ động tối đa được trao cho các địa phương.

Theo đó, các tỉnh tham gia Dự án là chủ đầu tư dự án thành phần được triển khai trên địa bàn. Mô thức quản trị này hứa hẹn đem lại tác động tích cực, mang tính dài hạn đối với năng lực quản trị dự án y tế của các địa phương, vốn trước đây lệ thuộc nhiều vào các cấu trúc quản trị cấp Trung ương.

Y tế cơ sở 'thay da đổi thịt'- Ảnh 2.

PGS Phan Lê Thu Hằng cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại trạm y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộc, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: VGP/HM

Các trạm y tế xã được "thay da đổi thịt"

Khảo sát thực tế tại Trạm y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - cơ sở được xây mới thông qua sự hỗ trợ của Dự này, phóng viên nhận thấy, trạm y tế được xây mới rất khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, rộng rãi. Nhiều người dân rất phấn khởi và yên tâm mỗi khi ra trạm y tế thăm khám hoặc lấy thuốc hàng tháng.

Anh Nguyễn Văn Tuyền, người dân xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, vui mừng chia sẻ, trạm y tế này mới được xây dựng trên địa hình cao ráo từ 2 năm nay, các phòng khám rất sạch sẽ, cán bộ rất thân thiện, gắn bó và tư vấn nhiệt tình.

Chị Nguyễn Thị Bé – cũng là người dân Cam Chính đến Trạm y tế khám cho biết, trạm y tế cũ trước đây của xã rất chật, hẹp, không có chỗ ngồi, hôm nào thời tiết nắng nóng ai cũng muốn lấy nhanh thuốc rồi đi về, cán bộ y tế cũng vất vả.

"Từ khi có trạm y tế mới, cơ sở vật chất khang trang hơn, đặc biệt có nhiều thiết bị hơn trạm y tế cũ. Chúng tôi được thăm khám sức khoẻ nhiều hơn và tin tưởng các y bác sĩ ở đây nhiều hơn", chị Bé hồ hởi chia sẻ.

Y tế cơ sở 'thay da đổi thịt'- Ảnh 3.

Người dân đưa trẻ đến trạm y tế tiêm vaccine trong niềm vui, hân hoan tại cơ sở mới, chỗ ngồi sạch sẽ, thoáng mát - Ảnh: VGP/HM

BS Phạm Hiền Lương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay mỗi ngày Trạm Y tế tiếp đón khoảng 30 người dân đến thăm khám, con số này trước đây chỉ khoảng 10, thời điểm cao nhất là 15 người/ngày.

Đặc biệt, với cơ sở mới, trang thiết bị mới được đầu tư, cán bộ y tế được tập huấn bài bản, các y bác sĩ của Trạm y tế xã Cam Chính đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hơn như: cấp cứu ban đầu, sốc phản vệ, các bệnh về hô hấp nhi, sốt cao, co giật, viêm phế quản…

Điển hình, năm 2023, Trạm y tế đã cấp cứu thành công cho 1 bệnh nhân bị rối loạn cơ vòng, đại tiểu tiện tại chỗ, không đo được mạch và huyết áp do bị ong đốt sau tai khi đi đường.

Trước đó, bệnh nhân bị đau, ngứa, nằm nhà và có gọi điện thoại cho trạm y tế xã. Trạm đã cử 2 nhân viên y tế đến tận nhà người bệnh – cách trạm khoảng 3km. Tại đây, nhân viên y tế không thể đo được mạch, huyết áp của người bệnh, người bệnh không thể tự chủ được hành động của mình.

Do đã được tập huấn bài bản, hai cán bộ y tế của Trạm lúc đó đã lập tức sơ cứu ban đầu ngay tại chỗ cho bệnh nhân, sau đó lấy xe của cá nhân, chở người bệnh lên Bệnh viện Đa khoa huyện.

"Hiện nay, sức khoẻ của bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Trạm y tế xã được khen thưởng đột xuất. Chúng tôi rất vui", BS Phạm Hiền Lương chia sẻ.

Y tế cơ sở 'thay da đổi thịt'- Ảnh 4.

Người dân được nhân viên y tế trạm y tế tư vấn nhiệt tình - Ảnh: VGP/HM

Theo ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, Trạm y tế xã Cam Chính là 1 trong 3 trạm y tế xã của huyện được xây mới và nâng cấp, sửa chữa theo Dự án này. Tất cả 3 trạm đều đang hoạt động rất hiệu quả.

Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân tại địa phương được nâng cao hơn trước rất nhiều. Các trạm đều khang trang, thiết bị được đầu tư phù hợp.

Điển hình, trong buổi khảo sát tại Trạm Y tế xã Cam Thường sáng 5/7, rất nhiều người dân đưa trẻ đến tiêm. Đa số người dân đều rất hài lòng và cho rằng, trạm y tế mới tiện lợi hơn trước rất nhiều, từ chỗ ngồi chờ thoáng mát, rộng, thoải mái đến việc tư vấn kỹ càng trước và sau tiêm cho trẻ...

Dự án được đánh giá tốt nhất

PGS Phan Lê Thu Hằng cho biết, Dự án bắt đầu triển khai đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát nên trong 2 năm đầu gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, kết quả đánh giá mới nhất của Bộ Y tế và Ngân hàng thế giới về tiến độ Dự án (tháng 5/2024) cho thấy, bất chấp những thách thức nghiêm trọng mang tính khách quan, Dự án vẫn được đánh giá ở mức đạt yêu cầu.

Ngân hàng thế giới ghi nhận, đây là Dự án được đánh giá tốt nhất trong số các Dự án y tế do Ngân hàng thế giới tài trợ tại Việt Nam.

Đến nay, 13 địa phương tham gia Dự án đã có 412 công trình được xây dựng, bao gồm các trạm y tế nâng cấp hoặc xây mới và các trung tâm y tế trên địa bàn 109 huyện/thị xã, đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt trên 86% so với số công trình dự kiến.

Các công trình còn lại đều đang trong giai đoạn thi công và dự kiến sẽ được Dự án hoàn thành toàn bộ trong tháng 11/2024. Hầu hết các tỉnh cũng đã triển khai ký kết các hợp đồng để bàn giao các trang thiết bị thiết yếu cho các trạm y tế trên địa bàn tỉnh, nhờ đó hầu hết trạm y tế được bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn.

Riêng tại Quảng Trị - địa phương đang xếp thứ 18 trong danh sách các tỉnh, thành có số hộ nghèo nhiều nhất cả nước, được nhận tổng mức đầu tư của Dự án này là 6,65 triệu USD, tương đương 151,042 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai, tỉnh được xem làm một trong những địa phương có tiến độ thực hiện nhanh, thuộc nhóm đầu của Dự án khi hoàn thành, bàn giao được những công trình xây dựng trạm y tế đầu tiên trong tại huyện Vĩnh Linh năm 2021, năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Y tế cơ sở 'thay da đổi thịt'- Ảnh 13.

Đoàn công tác của Dự án do PGS Phan Lê Thu Hằng là trưởng đoàn có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Quảng Trị - Ảnh: VGP/HM

Đến hiện tại, 25 công trình xây dựng trạm y tế trên địa bàn 7 huyện đã hoàn thành, 7 công trình còn lại đang gấp rút thi công để hoành thành trong quý III/2024.

Công tác hỗ trợ cung cấp trang thiết bị cũng đã được triển khai và đang được Ban Quản lý dự án tỉnh gấp rút bàn giao các trang thiết bị tới tay người sử dụng.

Đào tạo, tập huấn tổng thể

Riêng vấn đề giải quyết một phần sự thiếu hụt về năng lực của cán bộ y tế tuyến cơ sở, PGS Phan Lê Thu Hằng cho biết, Dự án đã tập trung trọng tâm vào đào tạo, tập huấn nhóm năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và quản lý một số vấn đề sức khỏe ưu tiên tại tuyến y tế cơ sở như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc bà mẹ trẻ em, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, châm cứu và phục hồi chức năng…

Để đảm bảo tính bền vững của công tác nâng cao năng lực, Dự án cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể với nguyên tắc hai bước: đào tạo đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh và tập huấn cán bộ y tế cơ sở.

Đến nay, đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh, giám sát viên tuyến huyện được đào tạo là 1.857 lượt người (đạt 96% so với kế hoạch đào tạo tổng thể). Tổng số cán bộ y tế xã được tập huấn là 24.346 lượt người (đạt 85,2% so với nhu cầu đào tạo của các tỉnh)…

Theo bà Phan Lê Thu Hằng, đối với các tỉnh tham gia Dự án, cần chủ động có kế hoạch duy trì bền vững những can thiệp sau khi Dự án kết thúc (sử dụng tài liệu đào tạo, đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh đã được Dự án đào tạo để tiếp tục mở rộng nỗ lực đào tạo nhân lực y tế cơ sở trên địa bàn; đảm bảo đủ kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình và trang thiết bị y tế được Dự án đầu tư, tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mang tính sáng tạo…).

Đối với Bộ Y tế, các đơn vị thực hiện việc đánh giá sâu những mô hình mang tính sáng tạo đã được Dự án thử nghiệm thành công trên thực địa 13 tỉnh, để xem xét mở rộng phạm vi áp dụng tại những điạ phương khác.

Hiền Minh