Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế – một người vô cùng tâm huyết và dành trọn niềm tin, khối óc, con tim cho y tế cơ sở.
Là người vô cùng tâm huyết và đồng hành cùng y tế cơ sở trong nhiều năm, xin bà chia sẻ những ưu điểm vượt trội của y tế cơ sở, không thể thiếu trong vai trò "người gác cổng" của một hệ thống Y tế?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Với những ưu thế vượt trội về diện bao phủ, tính công bằng và hiệu quả chi phí, mạng lưới y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng và được ví như nền tảng của hệ thống Y tế.
Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định là mạng lưới y tế cơ sở của chúng ta với thế mạnh bao phủ rộng khắp, được tích hợp các can thiệp cá nhân và cộng đồng; có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư… đã góp phần cực kỳ quan trọng vào những thành tựu nổi bật nhất của hệ thống Y tế Việt Nam.
Mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã có 2 chức năng cơ bản, bao gồm cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân và điều tiết hệ thống, hay người ta thường dùng một thuật ngữ là "người gác cổng hệ thống y tế".
Mặc dù đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, song hạn chế hiện nay của chúng ta là chú trọng nhiều tới chức năng cung ứng dịch vụ y tế mà chưa quan tâm đúng mức chức năng điều tiết hệ thống.
Với thuật ngữ "người gác cổng của hệ thống y tế", hệ thống y tế cơ sở có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đây là nơi tiếp xúc đầu tiên của người dân với hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Thứ hai, đây là nơi phân tích, sàng lọc, phân loại để đảm bảo sự kết nối giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế phù hợp nhất với nhu cầu sức khỏe đó.
Do vậy khi nói tới chức năng "người gác cổng của hệ thống y tế", chúng ta không chỉ quan tâm tới các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà cần chú trọng tới sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư, cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên (hệ thống chuyển tuyến).
Để mạng lưới y tế cơ sở làm tốt chức năng "người gác cổng của hệ thống y tế", chúng ta cần đảm bảo đồng thời cả 2 yếu tố: nâng cao năng lực toàn diện của mạng lưới y tế cơ sở thông qua việc nâng cấp và đổi mới toàn bộ các cấu phần nội tại của mạng lưới y tế cơ sở (đó là hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ, nhân lực, tài chính, hệ thống thông tin và quản trị); cải thiện sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên.
Nếu như với yếu tố thứ nhất, chúng ta chỉ tập trung chú trọng vào các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở thì với yếu tố thứ 2 đòi hỏi chúng ta chú trọng vào những nỗ lực điểu chỉnh toàn bộ hệ thống y tế.
Như bà vừa chia sẻ, hạn chế hiện nay của chúng ta là chú trọng nhiều tới chức năng cung ứng dịch vụ y tế mà chưa quan tâm đúng mức chức năng điều tiết hệ thống. Có phải đây chính là nguyên nhân gây tình trạng quá tải bệnh viện ở nước ta diễn ra trong nhiều năm nay không, thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Thực tế, tình trạng quá tải bệnh viện ở nước ta chỉ xảy ra tại các bệnh viện tuyến cuối và gây tác động tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn lực chung cho chăm sóc sức khỏe người dân. Để thấy được mối liên quan giữa y tế cơ sở và tình trạng quá tải bệnh viện, trước hết chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Tình trạng quá tải bệnh viện được đánh giá là hậu quả của sự kết hợp của hai nhóm nguyên nhân chính. Đó là sự thiếu hụt năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối so với nhu cầu thực tế (cung không đầy đủ) và sự gia tăng quá mức nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (cầu tăng quá mức).
Điều cần lưu ý là sự gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối có thể là do những thay đổi về nhân khẩu học, về mô hình bệnh tật hay có thể là ảo do hành vi tìm kiếm, sử dụng dịch vụ y tế tuyến cuối không hợp lý (tìm kiếm dịch vụ khi chưa cần thiết hoặc hoàn toàn không cần thiết).
Như vậy, để đạt được sự cân băng động tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, bên cạnh các nỗ lực gia tăng nguồn cung theo kịp sự gia tăng cầu thực, chúng ta cần hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.
Để đáp ứng tối ưu nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, chuỗi chăm sóc sức khoẻ (bao gồm chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chăm sóc sức khoẻ cơ bản, chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu) cần được thiết lập và vận hành hiệu quả.
Phân tích về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho thấy, 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện (15% cần điều trị ở mức độ cơ bản và 5% là bệnh nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu).
Tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối xảy ra khi chuỗi chăm sóc sức khoẻ hoạt động thiếu hiệu quả.
Như vậy, để giải quyết một cách căn cơ tình trạng quá tải bệnh viện, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, kỹ thuật và tài chính mang tính hệ thống. Điều này có nghĩa, những can thiệp không chỉ giới hạn tại các bệnh viện tuyến cuối mà còn phải được thực hiện đối với những thành tố khác của hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở.
Nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở sẽ hỗ trợ hiệu quả việc kìm hãm đà gia tăng quá mức về nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (bao gồm cả cầu thực và cầu ảo) cũng như hỗ trợ việc tái lập sự cân bằng hợp lý giữa các thành tố trong chuỗi chăm sóc sức khoẻ, qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm quá tải bệnh viện.
Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng mới phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030. Những văn bản quan trọng này có ý nghĩa như nào đối với sự phát triển của y tế cơ sở trong thời gian tới, thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết, mới đây Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng mới phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030.
Đây là 2 văn bản đặc biệt quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với công tác y tế trong thời gian tới. Nếu như Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030 được xem là chính sách chiến lược chung, bao trùm toàn bộ pham vi hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong đó dành ưu tiên hàng đầu cho y tế cơ sở thì Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư được xem là chính sách chiến lược được thiết kế riêng cho mạng lưới y tế cơ sở.
Những chính sách chiến lược này không chỉ đề ra chiến lược tiếp cận, mục tiêu cần hướng tới, danh mục ưu tiên (hay các nhóm nhiệm vụ giải pháp chính) để phát triển và đổi mới mạng lưới y tế cơ sở, mà còn cả phương thức thực hiện các ưu tiên để hướng tới mục tiêu mong muốn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành bại của quá trình đổi mới mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu là có cam kết chính trị mạnh mẽ, có chương trình đổi mới hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật và có nguồn lực tài chính đầy đủ để thực hiện chương trình đổi mới.
Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư, với những định hướng chiến lược mới (về cam kết chính trị, chính sách và hành động liên ngành, bộ máy tổ chức, phương thức hoạt động, chiến lược đầu tư, chiến lược phát triển nhân lực…) phù hợp với xu hướng chuyển đổi có tính chất toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Chỉ thị được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ và bền bỉ hơn cho sự phát triển của mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian tới, thông qua việc đồng thời đảm bảo cả 3 yếu tố nêu trên.
Cụ thể, cam kết chính trị, Chỉ thị số 25 không chỉ dừng ở mức độ cam kết ủng hộ chính trị mà đặt ra quyết tâm chính trị để hiện thực hóa các mục tiêu liên quan tới y tế cơ sở.
Về kỹ thuật, Chỉ thị số 25 xác định rõ những nội dung ưu tiên (hay những can thiệp cốt lõi) trong thời gian trước mắt cũng như trong trung và dài hạn, nhằm liên tục phát triển và đổi mới mạng lưới y tế cơ sở.
Về tài chính, Chỉ thị số 25 nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Nhà nước cũng như trách nhiệm đảm bảo nguồn tài chính đẩy đủ ở cấp độ quốc gia cũng như cấp độ địa phương để đẩu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở.
Bản thân bà kỳ vọng như thế nào vào sự đổi mới sắp tới của y tế cơ sở?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Tôi luôn nhận thức được đổi mới mạng lưới y tế cơ sở được xem là một quá trình đầy thách thức (cả trên bình diện kỹ thuật, quản trị và tài chính), đồng thời tôi cũng rất tin tưởng vào sự phát triển nhanh hơn và bền vững hơn của mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian tới.
Niềm tin này không xuất phát từ mong muốn mang tính chủ quan mà được tạo nên bởi những bằng chứng thực tế.
Đó là chưa bao giờ, sự quan tâm của hệ thống chính trị và người dân đối với công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và mạng lưới y tế cơ sở lại cao như hiện nay; những chính sách chiến lược mới liên quan tới y tế cơ sở được ban hành trong thời gian gần đây (được cập nhật những xu hướng đổi mới mang tính toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu) đã xác định rõ con đường phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khoẻ sẽ từng bước được cải thiện; sự phối hợp giữa Bộ Y tế và các địa phương, giữa ngành y tế với các ban, ngành, đoàn thể đối với sự phát triển mạng lưới y tế cơ sở ngày càng gắn kết và có hiệu quả hơn.
Trong quá trình công tác và làm việc với các tuyến y tế cơ sở trên cả nước, bà nhận thấy có điều gì khiến mình tâm đắc nhất?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Bản thân tôi, qua nhiều năm gắn bó với công tác y tế cơ sở, tôi tự nhận thấy có 2 yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là khối óc và trái tim.
Trước hết, có thể nói y tế cơ sở hoàn toàn không đơn giản về mặt kỹ thuật. Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm nhiều thành tố nội tại (hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, tài chinh, cung ứng dịch vụ, thông tin và quản trị) có sự liên kết chặt chẽ và tác động tương hỗ lẫn nhau mà người ta ví như một hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, mạng lưới y tế cơ sở lại như một tiểu hệ thống nằm trong một tổng thể thống nhất của hệ thống y tế, trong đó mạng lưới y tế cơ sở có sự liên kết và tương tác với những tiểu thành phần khác của hệ thống y tế (như mạng lưới chăm sóc sức khoẻ cơ bản và mạng lưới chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu) cũng như có sự tương tác tích cực với cộng đồng dân cư.
Do vậy, khi thiết kế các can thiệp liên quan tới y tế cơ sở, chúng ta cần chú trọng đồng thời các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở và sự tương tác phức tạp của chúng cũng như chú trọng tới mối liên kết giữa mạng lưới y tế cơ sở với các thành tố khác của hệ thống y tế. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có tư duy khoa học và hệ thống hay một khối óc sáng suốt.
Tuy nhiên, để làm tốt công tác y tế cơ sở, chỉ có khối óc sáng suốt là chưa đủ mà chúng ta cần có một trái tim với đầy cảm xúc thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ, thậm chí gạt bỏ cả những định kiến của dư luận xã hội. Có như vậy, chúng ta mới thực sự cảm nhận được những khó khăn mà các cán bộ y tế cơ sở phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Xin cảm ơn bà!
Thuý Hà (thực hiện)