Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, CNVC quốc phòng
Nghị định 59/2016/NĐ-CP quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định này quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi, tạm giữ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Việc sử dụng Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nhằm chứng minh người được cấp là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; phục vụ công tác quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và thực hiện các giao dịch dân sự.
Thời hạn sử dụng Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là 12 năm. Trường hợp thời gian phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng còn dưới 12 năm thì lấy thời hạn phục vụ còn lại để cấp.
Mỗi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được cấp một Chứng minh, có số hiệu Chứng minh riêng từ dữ liệu do Bộ Quốc phòng quản lý.
Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Làm giả, làm sai lệch dữ liệu, nội dung, hủy hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, tạm giữ Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trái với quy định của Nghị định này.
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng bị thu hồi Chứng minh trong trường hợp: Thôi phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; được cấp đổi; sau khi cá nhân nhận được Chứng minh mới thì Chứng minh cũ bị thu hồi; tước danh hiệu quân nhân hoặc buộc thôi việc.
Nghị định cũng quy định cụ thể nội dung thể hiện trên Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, Chứng minh công nhân quốc phòng và Chứng minh viên chức quốc phòng.
Nghị định này có hiệu lực từ 1/7/2016. Chứng minh quân đội đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành vẫn còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Nghị định quy định giám định viên tư pháp xây dựng phải đáp ứng quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp; người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc phải đáp ứng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Luật Giám định tư pháp. Ngoài các điều kiện trên, giám định viên tư pháp xây dựng, người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc còn phải đáp ứng một số điều kiện.
Cụ thể, đối với giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng thì phải có kinh nghiệm thực hiện một trong các công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng hoặc quản lý Nhà nước về xây dựng.
Đối với giám định tư pháp về chất lượng hoặc nguyên nhân hư hỏng, thời hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác của vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng thì phải có kinh nghiệm thực hiện một trong các công việc: Thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế, giám sát thi công xây dựng, thi công xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, kiểm định xây dựng phù hợp với nội dung giám định tư pháp xây dựng; có chứng chỉ hành nghề chủ trì khảo sát xây dựng hoặc chủ trì thiết kế xây dựng theo quy định đối với trường hợp giám định chất lượng khảo sát xây dựng hoặc thiết kế xây dựng công trình; có chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng hoặc thiết kế xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng theo quy định đối với trường hợp giám định chất lượng vật liệu, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình; có chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng hoặc thiết kế xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng theo quy định đối với trường hợp giám định chất lượng bộ phận công trình xây dựng, công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng.
Còn đối với giám định tư pháp về chi phí đầu tư xây dựng công trình, giá trị công trình phải có kinh nghiệm thực hiện một trong các công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng, kiểm định xây dựng hoặc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phù hợp với nội dung giám định tư pháp xây dựng; có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng theo quy định.
Chứng chỉ hành nghề của các cá nhân được quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Về điều kiện tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc, Nghị định quy định tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc là tổ chức tư vấn xây dựng đáp ứng các quy định tại Điều 19 Luật giám định tư pháp và đáp ứng các điều kiện theo quy định. Cụ thể, đối với giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng thì phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện một trong các công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, kiểm định xây dựng, giám sát thi công xây dựng phù hợp với nội dung giám định tư pháp xây dựng.
Cá nhân chủ trì giám định phải đáp ứng điều kiện như đối với giám định viên tư pháp xây dựng, người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thực hiện giám định về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
Gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây ÂuChính phủ vừa ban hành Nghị quyết gia hạn việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italy.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị gia hạn thêm 1 năm, đến hết ngày 30/6/2017 việc miễn thị thực cho công dân 5 nước trên khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Phê chuẩn Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 2 tỉnhThủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình nhiệm kỳ 2016-2021.
Cụ thể, với tỉnh Sơn La, tại Quyết định 1198/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại Quyết định 1200/QĐ-TTg, Quyết định 1201/QĐ-TTg, Quyết định 1202/QĐ-TTg, Quyết định 1203/QĐ-TTg, Quyết định 1204/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Bà Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011-2016; ông Lò Minh Hùng, ông Nguyễn Quốc Khánh, ông Bùi Đức Hải, ông Phạm Văn Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2011-2016;.
Còn với tỉnh Hòa Bình, tại Quyết định 1199/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2011-2016.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Bùi Văn Cửu, ông Bùi Văn Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2011-2016; ông Nguyễn Văn Chương, ông Nguyễn Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2011-2016.
Triển khai ứng phó thời tiết phức tạpThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương liên quan cần thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn để ứng phó với thời tiết, khí hậu phức tạp.
Từ nay đến cuối năm 2016 và những năm tiếp theo, thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường (cuối năm có thể xuất hiện hiện tượng La Nina). Do vậy năm nay bão và áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện trên khu vực Biển Đông muộn hơn, ảnh hưởng đến nước ta tập trung vào những tháng cuối năm. Thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, sự cố.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ nay đến cuối năm 2016, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, kiện toàn các Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các bộ, ngành, địa phương; khi có tình huống sự cố, thiên tai xảy ra, thiết lập Sở Chỉ huy thống nhất, chặt chẽ, cơ quan quân sự là cơ quan thường trực ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế những tư tưởng chủ quan, đơn giản trong phòng ngừa.
Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai. Khi xảy ra sự cố, thiên tai cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, báo cáo kịp thời, tham mưu đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn; kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần sát tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra những nơi có nguy cơ cao xảy ra sự cố.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp quốc tế, các bộ, ngành, địa phương liên quan làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai phức tạp xảy ra.Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ và phòng chống hạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng rà soát, tổng hợp các dự án di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét đang đầu tư dở dang, đề xuất nguồn vốn hỗ trợ các địa phương đầu tư hoàn thành để đưa dân về ở, bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả đầu tư...
Thủ tướng nêu rõ những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tìm kiếm cứu nạn cần phải thực hiện tốt: 1- Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác tìm kiếm cứu nạn; 2- Mọi tai nạn, thiên tai, sự cố đều phải được chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, xử lý kịp thời; 3- Các cấp, các ngành và người dân phải chủ động, không trông chờ, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”; 4- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phải thường xuyên chỉ đạo, xử lý khi có các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra (không để khi có vụ việc xảy ra mà thiếu chỉ đạo).
Phát triển KCN hỗ trợ ngành dệt mayThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế hoàn thiện và phê duyệt Đề án xây dựng khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ ngành dệt may tại KCN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế theo quy định hiện hành.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ của KCN, đồng thời lập, trình, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng KCN hỗ trợ ngành dệt may theo quy định của pháp luật; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung Đề án.UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm và có kế hoạch giám sát cụ thể. Đối với các dự án sản xuất trong KCN hỗ trợ ngành dệt may đáp ứng đủ điều kiện về môi trường theo quy định của pháp luật, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương.
Về cơ chế chính sách ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ cho phép Đề án được áp dụng chính sách đối với KCN hỗ trợ theo Thông báo số 404/TB-VPCP ngày 09/10/2014 của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời hỗ trợ 100% kinh phí rà phá bom, mìn, vật liệu nổ từ nguồn ngân sách địa phương; được miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, đối với đất còn lại được miễn tiền thuê đất 15 năm sau thời gian xây dựng cơ bản; được vay vốn tín dụng tối đa 70% tổng vốn đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngân sách trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải KCN hỗ trợ ngành dệt may.
Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân làm việc tại KCN hỗ trợ ngành dệt may và các cơ chế ưu đãi khác thực hiện theo quy định hiện hành.
Thành lập Tổ công tác liên ngành hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương thành lập Tổ công tác liên ngành về hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao thực hiện việc thành lập Tổ công tác trên theo thẩm quyền, đúng quy định.
Hỗ trợ Cao Bằng gần 490 tấn gạoThủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 487,41 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Cao Bằng để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2016 (đợt 2).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Điều chỉnh Khung chính sách hỗ trợ tái định cư cải tạo QL91Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km7 00-Km14 00 thuộc Tiểu dự án 1, Hợp phần A - Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc bồi thường các công trình hạ tầng kỹ thuật nêu trên theo đúng quy định hiện hành tại thời điểm thực hiện, đảm bảo không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt.
Chuyển giao 2 Công ty lâm nghiệp về tỉnh Thanh HóaPhó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý bàn giao nguyên trạng (gồm vốn, đất đai, tài sản, lao động,…) 2 Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Lang Chánh thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam về UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Giấy Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương điều chỉnh giá trị doanh nghiệp sau khi bàn giao theo quy định hiện hành. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Giấy Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm sắp xếp hai Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Lang Chánh theo đúng quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Làm rõ thông tin bớt xén tiền hỗ trợ hạn mặn cho dânBáo Lao động ngày 28/6/2016, báo Tiền phong ra ngày 29/6/2016 có các loạt bài "Đủ kiểu bớt xén tiền hỗ trợ sau hạn, mặn", "Khuất tất tiền hỗ trợ hạn mặn cho dân".
Về việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Cà Mau khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 2/7/2016.
Xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phépPhó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ liên quan và hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các giải pháp quản lý nhà nước về khoáng sản.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2016.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010./.