Để phát triển không gian ngầm hiệu quả

18/04/2022 1:34 PM

(Chinhphu.vn) - Với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, tính toán phát triển các không gian ngầm là điều cần thiết để giảm tải áp lực hạ tầng giao thông. Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển không gian ngầm hiệu quả, cần có những giải pháp, quy hoạch chi tiết và đồng bộ.

Để phát triển không gian ngầm hiệu quả - Ảnh 1.

Việc phát triển các không gian ngầm là điều cần thiết để giảm tải áp lực hạ tầng giao thông

Nhu cầu cần thiết

Những năm gần đây, một số công trình sử dụng không gian ngầm đã xuất hiện như tuyến tàu điện ngầm, ga tàu điện ngầm tại Hà Nội; cùng với hầm đường bộ; hầm vượt sông; hầm cho người đi bộ; bãi đỗ xe ngầm cũng đã và được xây dựng.

Tại Hà Nội, không ít các trung tâm công cộng, thương mại dịch vụ dưới lòng đất tại các khu chung cư cao tầng như Times City, Royal City đã tạo nét khác biệt cho tổ hợp kiến trúc tại khu đô thị mới.

Hiện nay, quỹ đất tại đô thị ngày càng hạn hẹp, vì thế việc tập trung phát triển hệ thống giao thông ngầm là việc làm cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong việc giảm áp lực giao thông công cộng đang ngày càng quá tải.

Năm 2021, TP. Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỉ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Với yêu cầu chính là kiểm soát dân số tại 4 quận, các đồ án nhằm mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Theo đồ án được công bố, 4 quận trung tâm sẽ phát triển không gian ngầm theo mô hình TOD - phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng, gồm 5 tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn 4 quận.

Trong phạm vi 500m từ đầu mối ga ngầm, các đồ án đưa ra định hướng sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại khu vực hạn chế chiều cao công trình, giúp giảm mật độ xây dựng phần nổi; khuyến khích tạo lập tuyến đi bộ ngầm để kết nối các khu vực này. Để phát triển giao thông công cộng, thành phố Hà Nội cũng sẽ xây dựng 89 bãi đỗ xe, trong đó 38 bãi cao tầng và 51 bãi xe ngầm.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội cho rằng, để triển khai nội dung phát triển không gian ngầm, TP. Hà Nội cần có quy hoạch chi tiết và cần đặc biệt chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mới đây, ngày 15/3/2022, UBNDTP. Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch được duyệt đã mở ra một giai đoạn tăng tốc triển khai không gian ngầm đô thị tại Thủ đô Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bản quy hoạch đã khá hoàn thiện về mô hình phát triển không gian ngầm, vấn đề là cần nhanh chóng được triển khai, cụ thể hóa bằng những quy hoạch chi tiết, vì đây là nền tảng cho sự phát triển và nhu cầu thiết yếu của Thành phố.

Mục tiêu của Quy hoạch không gian ngầm lần này đặt ra phải tạo ra sự liên kết tổng thể để gắn kết với không gian trên mặt đất, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Không gian ngầm không chỉ để phục vụ giao thông mà còn phục vụ văn hóa và dịch vụ thương mại…

Quy hoạch, quản lý không gian ngầm: Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, sau khi bản quy hoạch được phê duyệt, để phát huy giá trị trong thực tiễn rất cần phải điều chỉnh, hoàn thiện các cơ sở pháp luật có liên quan, cụ thể là Luật Đất đai. Cần phải xem xét đến quyền khai thác, sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, không gian ngầm hiện chưa được Luật Đất đai quy định.

Đặc biệt, công tác quản lý hệ thống không gian ngầm như thế nào để vừa tạo ra tiềm năng mới về giao thông, dịch vụ thương mại nhưng vẫn phải bảo đảm môi trường và chống tác động của biến đổi khí hậu.

Thấy rõ tầm quan trọng của không gian ngầm, Hà Nội đã nghiên cứu từ nhiều năm nay nhưng vì thực trạng trong quản lý không gian ngầm vừa qua thiếu sự cập nhật, thống kê nên việc lập quy hoạch không gian ngầm rất phức tạp, đồ án rất khó để phê duyệt.

Đặc biệt, tồn tại đa dạng công trình ngầm như công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình năng lượng, thông tin ngầm, công trình an ninh quốc phòng…

Tuy nhiên, với sự cố gắng của các đơn vị tư vấn, sự đóng góp của chuyên gia, đến nay, TP. Hà Nội đã là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm.

Nhằm bảo đảm tính thống nhất, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành trước đây để bảo đảm phù hợp với đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm – TP. Hà Nội được duyệt.

Đồng thời, thực hiện thẩm định các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, đề án, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố về đề xuất quy hoạch, giải pháp thiết kế không gian ngầm nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Khu vực nghiên cứu chính không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín. Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Quy hoạch sẽ phân vùng chức năng của các công trình ngầm, phân bố theo chiều ngang trong đô thị trung tâm các khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm: Khu vực nội đô (nội đô lịch sử và nội đô mở rộng); khu vực phát triển mới cao tầng tại Bắc sông Hồng và chuỗi đô thị Đông vành đai 4, các dự án trong vành đai xanh và tại các trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Tây Hồ Tây, Hồ Tây - Cổ Loa và khu vực dọc theo hành lang các tuyến đường sắt đô thị.

Thành Nam

Top