Cách đây 40 năm, cùng với hậu quả nặng nề của chiến tranh, những biến động của lịch sử và hoàn cảnh khó khăn của đất nước, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, di sản văn hóa Cố đô Huế đứng trước bờ vực bị xóa sổ.
Sau lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế của ông Amadou Mahtar M'Bow, Tổng Giám đốc UNESCO, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kịp thời đề ra giải pháp để cứu vãn di sản Huế, đầu tiên là quyết định thành lập một đơn vị chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc lập kế hoạch phục hưng, cứu vãn di sản Cố đô Huế.
Theo đó, tháng 6/1982, Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế được thành lập (đến năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế). Đây cũng chính là bước ngoặc lớn cho công cuộc phục hưng di sản Huế.
Trung tâm đã triển khai một loạt giải pháp đồng bộ để cứu vãn di sản, từ chỗ đang ở trong tình trạng lâm nguy và bị quên lãng, di sản Cố đô Huế đã lột xác, hồi sinh mạnh mẽ.
Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh (thuộc khu vực Đại Nội); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, Điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định)...
Kết quả, Thừa Thiên Huế có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Có thể nói, với sự ra đời của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế đã được triển khai và đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy hiệu quả và tạo điều kiện cho việc phát triển kinhtế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.
Ông Chistian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị trực tiếp phụ trách và gìn giữ 5 di sản có ý nghĩa hết sức quan trọng được UNESCO công nhận, vì vậy, Trung tâm có trách nhiệm lớn lao không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn với toàn thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, từ khi thành lập cho đến nay, UBND tỉnh đánh giá rất cao vai trò hạt nhân, nòng cốt của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong công cuộc phục hưng di sản Cố đô Huế. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đơn vị đã nắm bắt, tiếp thu nhanh chóng và thực hiện thắng lợi nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến công cuộc phục hồi và phát huy giá trị di sản Huế, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phương đề nghị, trong giai đoạn tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục sáng tạo và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhật Anh