Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Diện mạo Cố đô Huế từng bước được hồi sinh |
Với hoàn cảnh của đất nước sau chiến tranh, việc bảo tồn di sản văn hóa Huế gặp muôn vàn khó khăn. Năm 1981, trong Lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế tại Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ là ông Amadou Mahtar M’Bow đã cho rằng: Di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và sự quên lãng, chỉ có “một sự cứu nguy khẩn cấp” với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới có thể giúp Huế thoát ra khỏi tình trạng trên.
Ngay sau đó, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ. Sự nhìn nhận về triều Nguyễn và các di sản của triều đại này cũng từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Tháng 6/1982, Công ty Quản lý di tích và danh thắng Huế được thành lập (từ năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể di tích Cố đô và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan.
Bằng sự vào cuộc hết sức tích cực, khẩn trương của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, năm 1992, bộ hồ sơ về di sản vật thể của Huế đã được xây dựng và đệ trình UNESCO. Ngày 11/12/1993, cách đây 25 năm, Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Từ đây, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Đã có khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang Tử Cấm Thành, lầu Tứ Phương Vô Sự, Đông-Tây Khuyết Đài, điện Long An, cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc… Hiện nay, lăng Gia Long, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức cũng đang được triển khai trùng tu nhiều hạng mục.
Cơ sở hạ tầng các khu di tích như: Hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh... đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương, cung An Định, hệ thống phòng chống hỏa, chống sét, hệ thống nhà vệ sinh trong di tích đã cơ bản được tu bổ hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện.
Cảnh quan môi trường khu vực Đại Nội Huế được cải tạo sạch đẹp hơn |
TS. Phan Thanh Hải cho rằng: Điều quan trọng là các di tích đã được tu bổ đều bảo đảm các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ đã công nhận và tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Cũng chính qua thực tiễn của công cuộc bảo tồn tôn tạo di tích Huế mà đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu và phong phú, đặc biệt đã nắm vững cả 2 mặt cốt yếu của phương pháp trùng tu khoa học là phương pháp luận khoa học và kỹ năng thực hiện. Vì vậy các hoạt động trùng tu đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống.
Với những thành công đó, đến nay, Huế được UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.