Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hình ảnh tại buổi lễ. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Sử dụng kỹ thuật scan 3D để lập cơ sở dữ liệu ở một số di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế là hoạt động đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp thực hiện với nhiều đối tác, trong đó có Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, phương pháp sử dụng kỹ thuật scan 3D để lập cơ sở dữ liệu ở di tích đã đem lại cái nhìn tổng thể, đầy đủ về không gian và cả hiện trạng của một số di tích. Những cơ sở dữ liệu này rất có lợi cho công tác lưu trữ và bảo đảm được tính bền vững. “Trên nền tảng phối hợp với các đối tác, chúng tôi có định hướng sẽ tiến xa hơn nữa trong việc hợp tác và phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế”, ông Hải chia sẻ.
Riêng sản phẩm 3D về bức tranh "Long vân khế hội", sau khi tiếp nhận, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tặng chùa Diệu Đế, làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn bức tranh về sau. Đây là bức bích họa nổi tiếng tồn tại trên trần chánh điện ở chùa Diệu Đế. Bức tranh dài hơn 10 m, rộng gần 11 m, vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần điện và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa của nhà Phật. Tuyệt tác này từng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục "Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam" vào tháng 3/2008.
Đây là bức bích họa do họa sĩ Phan Văn Tánh, họa sĩ cung đình dưới triều Nguyễn vẽ năm 1950. Trải qua hơn 60 năm tồn tại, công trình tồn tại trên trần chánh điện ở chùa Diệu Đế đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng, trần điện bị nứt võng một số nơi và đã được tu sửa, dặm vá. Bức "Long vân khế hội" đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại vì nước ngấm xuống làm một số mảng màu bị ẩm ướt, rêu đen bám khiến các con rồng màu bị biến đổi. Việc lưu giữ lại bức "Long vân khế hội" bằng sản phẩm 3D có tác dụng giúp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của các bức bích họa này về sau; khi chùa Diệu Đế đang trong giai đoạn cần phải trùng tu.
Cũng trong dịp này, Trung tâm cũng hợp tác với các Công ty An Thi Việt Nam, Công ty Toàn Dũng Media cho ra đời ứng dụng VNGuide App. Đây là sản phẩm phù hợp với mọi thiết bị di động thông minh và đáp ứng được sự năng động của du khách ưa thích xu hướng du lịch thông minh. Bằng cách tải ứng dụng VNGuide App về điện thoại thông minh, định vị điểm đến, du khách hoàn toàn có thể trải nghiệm tốt hơn về hình ảnh, nội dung và cả không gian của điểm đến trước khi đặt chân đến.
Trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ thực hiện dự án số hóa tư liệu 2 công trình di tích (lăng Tự Đức và cung An Định).
Đây là dự án sử dụng công nghệ lưu trữ tiên tiến, giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình 3D gồm cả dữ liệu thô và dữ liệu đã được xử lý như: Các mô hình 3D được cung cấp ở định dạng FBX và thể hiện cả hình học lẫn kết cấu ảnh; mô hình trên không và mô hình mặt đất có độ phân giải cao, được tạo ra cho mỗi công trình di tích thuộc lăng Tự Đức (điện Hòa Khiêm, Bi Đình, lăng Hoàng Hậu); mô hình nội ngoại thất có độ phân giải cao của di tích cung An Định (Khải Tường Lâu); các bản vẽ theo định dạng Autocad và PDF của các công trình di tích thuộc lăng Tự Đức và cung An Định; các hình ảnh toàn cảnh được chụp ở 141 vị trí đặc biệt; có thể sử dụng tệp Panorama Locations.pdf để xác định các tên và vị trí ảnh toàn cảnh. Mỗi vị trí toàn cảnh đã được xử lý cho người xem đơn sắc và lập thể; các video tư liệu dự án và các video đã được xử lý.
Hương Thảo