Tham dự lễ trao giải có Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thi; Phó Chủ tịch Hội đồng PBGDPL Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Phó trưởng Ban Tổ chức hội thi; Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng.
Theo Ban Tổ chức, sau 2 ngày thi đấu, giải nhất thuộc về đội hòa giải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; 2 đội giành giải ghì đến từ TPHCM và Đồng Tháp; 2 đội giành giải ba là Đồng Nai và Tây Ninh; 7 đội đạt giải khuyến khích gồm: Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Long An (giải thưởng 1 triệu đồng).
Dựa trên kết quả thi đấu thực tế, Ban Tổ chức đã quyết định trao các giải thưởng phụ gồm: Đội thi đạt giải phong cách: Vĩnh Long; Đội thi có kiến thức pháp luật tốt: An Giang, Kiên Giang; Đội thi có kinh nghiệm hay trong công tác hoà giải ở cơ sở: Tiền Giang, Bến Tre, Bình Thuận; Đội khán giả yêu thích nhất: Cần Thơ. Mỗi đội đạt giải thưởng được tặng giấy chứng nhận và phần thưởng 2 triệu đồng.
Ban Tổ chức cũng trao thưởng thêm cho các giải thưởng phụ khác, như giải Đội thi có phần giới thiệu ấn tượng nhất: Đồng Tháp; Phần thi tiểu phẩm hấp dẫn nhất: Tây Ninh; Đội thi hòa giải khéo: Cà Mau; Hòa giải viên cao tuổi nhất thuộc về thí sinh Huỳnh Văn Sang (Long An); Hòa giải viên trẻ nhất thuộc về thí sinh Lê Nguyễn Ngọc Sương (Hậu Giang); Hòa giải viên cán bộ mặt trận cơ sở xuất sắc nhất thuộc về thí sinh Lê Thị Phương Dung (TPHCM).
Theo dõi hội thi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, thành công của hội thi là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Tây Ninh.
Kết quả tốt đẹp của hội thi còn thể hiện sự nghiêm túc của các tỉnh, thành phố cùng sự nỗ lực chuẩn bị của Ban Tổ chức, bộ phận giúp việc, nhất là sự cố gắng luyện tập của các đội thi và sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của khán giả góp phần vào sự thành công của hội thi.
“Với tinh thần giao lưu, học hỏi, chia sẻ, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm kỹ năng hòa giải, để sau khi kết thúc hội thi, các hòa giải viên tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho công tác hòa giải cơ sở. Hòa giải viên tham dự hội thi là những người xuất sắc đại diện cho đội ngũ hòa giải viên khu vực miền Nam đã tụ hội, giao lưu và học hỏi, phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, đoàn kết, ý chí quyết tâm", ông Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá.
Đánh giá chung về chất lượng cuộc thi khu vực miền Nam, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho rằng, chất lượng các phần thi tốt hơn so với các hội thi trước đây. Nhiều đội thi đã hoàn thành xuất sắc, chất lượng các phần thi.
Lần đầu tiên hội thi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ phần thi thông qua sử dụng thiết bị điện tử để lựa chọn phương án trả lời đúng trong phần thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, các hòa giải viên dự thi rất tâm huyết, nhiệt tình, tự tin tham gia hội thi.
Các tiết mục dự thi được dàn dựng công phu, tập luyện kỹ lưỡng, kiến thức vững chắc. Các đội đã xây dựng các video, clip hình ảnh minh hoạt cho phần thi giới thiệu, tiểu phẩm làm cho phần thi sinh động, hấp dẫn. Trang phục đẹp, mang tính đặc trưng về dân tộc; đạo cụ đặc sắc. Một số đội thi đã lồng ghép nội dung pháp luật, truyền thông về công tác hòa giải qua loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù của địa phương như thơ, ca, bài hát.
Hội thi thu hút khoảng 600 thí sinh đến từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
LS