Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; đại diện các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng.
Phát biểu khai mạc hội thi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, tư tưởng và phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác này là "xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn" là nền móng cho sự ra đời, phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở.
Với phương châm giải quyết "thấu tình, đạt lý", hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng "lấy dân làm gốc". Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp ở cơ sở có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội, mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
"Để những giá trị tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, chắc chắn phải nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực, đóng góp trực tiếp của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở", ông Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ.
Theo đó, để góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên; đồng thời, biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức hội thi "Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV".
Ban Tổ chức cho biết, để nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải viên, đồng thời biểu dương, vinh danh và tạo sân chơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ này ở cơ sở, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công 3 hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc. Các hội thi đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền, cơ quan thông tin đại chúng, sự hưởng ứng nhiệt tình của các hòa giải viên trên cả nước và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trên, năm 2023, Hội đồng đã ban hành Quyết định số 791/QĐ-HĐPH ngày 24/5/2023 về kế hoạch tổ chức hội thi "Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV".
Theo đó, những người dự thi phải là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại hội thi hòa giải viên giỏi của các tỉnh, thành phố hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho địa phương mình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn 1 đội thi gồm 3 thành viên chính thức, 1 thành viên dự bị, trong đó 1 người làm đội trưởng. Đối với phần thi giới thiệu, tiểu phẩm, các đội thi có thể huy động tối đa 5 người tham gia các vai phụ.
Về hình thức thi: Thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia các phần thi, gồm: Phần thi giới thiệu trong thời gian tối đa 5 phút, tổng số 20 điểm. Đội thi giới thiệu về các thành viên, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp (kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...).
Phần thi lý thuyết gồm thi hiểu biết, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tối đa 10 giây chuẩn bị cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm.
Phần thi hòa giải khéo tối đa có 4 phút chuẩn bị và trả lời, tổng số 40 điểm: Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải 1 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban Tổ chức hội thi đặt ra.
Phần thi tiểu phẩm trong thời gian tối đa 7 phút, tổng số 40 điểm: Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.
Nội dung thi gồm các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; pháp luật về hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Hội thi được tổ chức thành 2 vòng thi, gồm vòng thi khu vực và vòng thi toàn quốc. Vòng thi khu vực được tổ chức theo 3 khu vực là miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam trong tháng 9 này.
Kết thúc 3 vòng thi khu vực, các đội thi đạt giải nhất, nhì, ba sẽ tham dự vòng thi toàn quốc, với tổng số 15 đội thi. Địa điểm tổ chức vòng thi toàn quốc là ở Hà Nội. Thời gian thi dự kiến tổ chức vào tuần đầu tháng 11/2023. Đây là sự kiện nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Theo ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, xuất phát từ truyền thống giàu lòng nhân văn, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu của con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hoà giải ngày càng được phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội ngoài tòa án.
Trong quá trình hòa giải, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách "thấu tình đạt lý".
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2022 cả nước có 86.414 tổ hòa giải với 540.740 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước hòa giải trên 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỉ lệ hòa giải thành công trên 80%.
Lê Sơn