Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí cực kỳ thuận lợi, nằm ngay cửa ngõ giao thương giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, một trong 21 cảng nước sâu trên thế giới có thể đón được “siêu tàu” đã và đang tạo ra một lợi thế cạnh tranh lớn cho tỉnh trong việc phát triển dịch vụ logistics.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng Ban nghiên cứu và tư vấn, Viện nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, Đông Nam Bộ được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Hiện Vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TPHCM) và Cái Mép-Thị Vải.
Là một trong những địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục đường xuyên Á, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000-250.000 tấn (6.000-24.000 TEU) và lớn hơn; đồng thời giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của Vùng.
Với hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và đang tiếp tục được đầu tư để hình thành hệ thống giao thông đa phương thức; kết nối liên hoàn, đồng bộ, giữa hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải-Trung tâm logistics Cái Mép Hạ-Cảng hàng không quốc tế Long Thành-Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Có thể thấy, so với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để phát triển ngành dịch vụ logistics.
Phát biểu tại hội thảo góp ý Đề án tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế vào tháng 5/2024 vừa qua, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Đồng thời, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logictics lớn là đầu mối của vùng Đông Nam Bộ.
Hướng đi trong tương lai
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phải đối mặt với một số thách thức trong việc phát triển dịch vụ logistics đầu mối. Đầu tiên là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong lĩnh vực logistics. Thêm vào đó, việc phát triển các dịch vụ logistics cần một chiến lược lâu dài, phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, để trở thành trung tâm dịch vụ logistics đầu mối của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục cải thiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế để thu hút nguồn vốn, công nghệ, và kinh nghiệm trong việc phát triển logistics. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong logistics, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động vận chuyển, kho bãi, sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Các sáng kiến này sẽ là yếu tố quan trọng giúp Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ trong ngành logistics và trở thành đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/12 tại Bà Rịa-Vũng Tàu lấy chủ đề chính là "Khu thương mại tự do-Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics". Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ này.