Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông quan luồng xanh chỉ từ 1-3 giây
Ngày 25/10, ông Đào Việt Nga, nhân viên Công ty CP Thép VAS Tuệ Minh đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép để làm thủ tục thông quan cho lô hàng nguyên liệu sản xuất giấy, vải, hóa chất. Sau khi xuất trình hồ sơ, chỉ 3 giây lô hàng đã được thông quan.
Ông Đào Việt Nga cho biết, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc đơn giản hóa thủ tục. Hiện thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký hải quan đối với tờ khai luồng “xanh” không có thuế, thời gian thông quan hàng hóa chỉ còn từ 1-3 giây. Một số trường hợp do tờ khai nhiều mặt hàng, hệ thống phải kiểm tra một số tiêu chí riêng thì thời gian tối đa là 3 phút; đối với hồ sơ hệ thống phân luồng “vàng” hoặc “đỏ”, việc kiểm tra hồ sơ giấy khi bộ hồ sơ đầy đủ từ khoảng 10 phút đến 1 giờ, tỉ lệ này rất thấp chiếm từ 3-5%.
Một trong những thành tựu của việc đẩy mạnh công nghệ thông tin là năm 2023, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa vào hoạt động chính thức vận hành có hiệu quả 2 máy soi container di động tại các cảng biển.
Ông Bùi Đức Đạt, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Cảng Gemalink cho biết, nếu như trước đây để kiểm tra một container tối thiểu cũng phải mất trên 1 giờ đồng hồ, thì với thiết bị này, việc kiểm tra chỉ mất tối đa 2 phút là biết được chủng loại, số lượng hàng hóa trong container.
Đánh giá từ các doanh nghiệp cho thấy, việc đưa máy soi chiếu vào hoạt động vừa tạo thuận lợi cho DN trong thông quan hàng hóa, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời nâng cao công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, hàng hóa xuất nhập khẩu qua soi chiếu không thu phí doanh nghiệp, kể cả phí vào bãi soi. Như vậy, doanh nghiệp giảm được chi phí do không phải xếp dỡ hàng hóa thủ công, chí phí sử dụng thiết bị nâng hạ.
Sẵn sàng hoàn thành hải quan số vào năm 2025
Đánh giá từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những đơn vị luôn tiên phong trong công tác chuyển đổi số cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hiện đại hóa và phát triển thương mại.
Hiện đơn vị đang thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để tra cứu, xác định chủng loại hàng hóa, tình hình chấp hành pháp luật của tàu, thuyền viên, hành khách, người nhận hàng, người gửi hàng để áp dụng trong việc thực hiện giám sát hải quan.
Như vậy, các thủ tục hải quan thực hiện với doanh nghiệp sẽ trên môi trường số, tức là môi trường không giấy tờ và ở mọi nơi, vào mọi thời điểm, trên nhiều phương tiện; bảo đảm quản lý xuyên suốt từ khâu đầu tới khâu cuối đối với hàng hóa và phương tiện xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Theo Quyết định số 707/QĐ-TCHQ phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Hải quan, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hải quan số; đến năm 2030, hoàn thành hải quan thông minh. Toàn bộ cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý.
Ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, đơn vị đã và đang tham gia hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ cho việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan số, hải quan thông minh; mở rộng triển khai hệ thống giám sát hải quan tự động VASSCM (gần 100% doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi đã tham gia kết nối); sử dụng seal định vị điện tử GPS trong quy trình giám sát hải quan.
Đồng thời áp dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành với chữ ký số; đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát trực tuyến (kết nối đến 2 chi cục hải quan trực thuộc), sẵn sàng cho yêu cầu của kế hoạch chuyển đổi số, triển khai mô hình hải quan thông minh trong tương lai.
BT