In bài viết

Bắc Giang: Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới điển hình

(Chinhphu.vn) - Xác định công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, lấy người dân làm chủ thể, tỉnh Bắc Giang đã huy động toàn bộ nguồn lực cùng sự tham gia tích cực của người dân, phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Chính nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới điển hình.

06/10/2024 20:54
Bắc Giang: Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới điển hình- Ảnh 1.

Thời gian qua, các cấp ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã luôn chung sức, đồng lòng xây dựng chương trình nông thôn mới. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, xây dựng nông thôn mới là chương trình xuyên suốt, lâu dài, là chương trình của dân, do dân và vì dân, với mục tiêu là nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn. Thời gian qua, Bắc Giang đã có nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, người góp công, người góp của…, mỗi người cùng chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu một cách rốt ráo và hiệu quả.

Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", Hội Cựu chiến binh đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Các cán bộ, hội viên cựu chiến binh đi đầu trong các hoạt động, phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ đó tạo sức lan tỏa và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cộng đồng dân cư để chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tiêu biểu là mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên cựu chiến binh làm chủ có 232 doanh nghiệp, thu hút 6.690 lao động. Một số mô hình kinh tế, câu lạc bộ hội viên tiêu biểu như: Công ty Việt Thắng (TP. Bắc Giang) do cựu chiến binh Lê Văn Thùa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần bê tông Quốc An do hội viên cựu chiến binh Đỗ Văn Quý làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ở phường Tăng Tiến, thị xã Việt Yên. Sau 10 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp đã phát triển hiệu quả, đồng thời có nhiều hoạt động thiện nguyện như: Xây 3 căn nhà cho hội viên cựu chiến binh nghèo tại thị xã Việt Yên với 226 triệu đồng, 1 căn nhà cho hội viên cựu chiến binh Hứa Văn Nôm, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động trị giá 270 triệu đồng, năm 2023-2024 ủng hộ Hội CCB tỉnh xóa nhà dột, nhà tạm 7 nhà với 410 triệu đồng, giúp vốn sản xuất không lấy lãi cho Hội cựu chiến binh huyện Sơn Động với 250 triệu đồng… Thông qua các hoạt động này đã góp phần hoàn thành các tiêu chí, mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Hay với mô hình cựu chiến binh tham gia xây dựng nông thôn mới của Hội cựu chiến binh xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa năm 2024. Hội viên đã hiến đất làm đường hơn 18 nghìn m2 đất ở không yêu cầu đền bù, trong đó tiêu biểu có hội viên: Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Lương Phong san bỏ nhà 2 tầng và hiến đất ở làm đường 225m2, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tại xã Lương Phong có 10km đường điện năng lượng mặt trời do hội viên cựu chiến binh đóng góp trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Các hội viên luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" nêu cao ý chí "không chịu đói nghèo" tiên phong trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Từ đó góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và nâng cao đời sống của gia đình cũng như có nhiều đóng góp thiết thực cho hoạt động "nghĩa tình đồng đội", từ thiện nhân đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy chính quyền, địa phương ghi nhận.

Có thể thấy, với tinh thần của "Bộ đội cụ Hồ", luôn "vững tay súng chắc tay cày", sau khi phục viên, các hội viên cựu chiến binh đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để bắt tay vào sản xuất, phát triển kinh tế và có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào chung của toàn tỉnh Bắc Giang. Thông qua đó đã giúp nhiều địa phương khắc phục khó khăn và nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

Bắc Giang: Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới điển hình- Ảnh 2.

Mô hình trồng rau cần kết hợp với nuôi cá mang lại thu nhập cao tại xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Đối với mô hình thanh niên, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 315 mô hình Thanh niên làm kinh tế giỏi, với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Đồng thời thành lập mới và duy trì hiệu quả hơn 20 mô hình kinh tế tập thể thanh niên, thu hút trên 500 thành viên tham gia giải quyết việc làm cho 286 lao động thanh niên, với mức thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng/tháng trở lên.

Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hiện Bắc Giang duy trì hoạt động của 4.332 mô hình câu lạc bộ phụ nữ "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật; 159 mô hình điểm "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới", 31 mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh"; 211 câu lạc bộ, tổ phụ nữ phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em, phụ nữ với pháp luật;… Qua đó đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan sáng- xanh- sạch- đẹp cho các thôn, xóm, địa phương.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tiếp tục được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, mang lại hiệu quả thiết thực. MTTQ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động, về vị trí, vai trò của MTTQ các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. 

Kết quả giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2024 đã tuyên truyền 1.750 buổi với trên 58.000 lượt người dự, phát trên loa phát thanh cơ sở được 1.910 buổi; vận động hiến trên 650.000 m2 đất. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Bắc Giang đã vận động người dân hiến 25.732 m2 đất, đóng góp trên 9,3 tỷ đồng và 7.115 ngày công để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa… điển hình như các huyện Việt Yên, Tân Yên, Lục Ngạn.

Với những đóng góp tích cực của rất nhiều các cấp, ngành, lực lượng và nhân dân, có thể thấy chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đi vào chiều sâu, nhận thức của đa số người dân về chương trình được nâng cao. Đồng thời vai trò chủ thể của người dân được phát huy, chủ động tham gia đóng góp ngày công, tiền của làm công trình công cộng; mỗi địa phương đều có cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện của mình và đã đạt được những kết quả tích cực.

Thiện Tâm