Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, công tác quản lý nhà nước về hoạt động trồng trọt tại tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Bộ NN&PTNT, các cục, vụ, viện chuyên ngành thuộc Bộ đã giúp đỡ tỉnh triển khai các nội dung quy định của luật, nghị định có liên quan đến lĩnh vực hoạt động trồng trọt của tỉnh, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Một trong những kết quả điển hình của nông nghiệp tỉnh Bắc Giang chính là hoạt động khoa học và công nghệ trong trồng trọt luôn được ưu tiên phát triển. Công tác tuyển chọn, cải tạo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thế mạnh của từng vùng.
Trong đó, cơ cấu giống lúa chuyển biến mạnh mẽ. Các giống lúa chất lượng cao chiếm tỉ lệ 50%. Tỉ lệ sử dụng giống xác nhận hơn 98%. Cơ cấu giống ngô dịch chuyển theo hướng mở rộng trồng các giống ngô nếp, ngô ngọt có giá trị kinh tế cao, như: HN88, HN68, MX10, Sugar75, Golden COB, Việt Thái... chiếm hơn 80% diện tích. Vải thiều thực hiện trồng, ghép cải tạo được 7.700 ha vải chín sớm.
Bên cạnh đó là việc đa dạng giống cây có mú,i như cam Đường canh, cam Vinh, cam V2, cam Xoàn, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi da xanh, bưởi Sửu... góp phần rải vụ thu hoạch, nâng cao giá trị sản xuất. Tỉnh cũng cải tạo, thay thế giống chè trung du cũ bằng những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, như LDP1, LDP2, HP1… đạt từ 9,5-10 tấn/ha/năm, tăng từ 3- 3,5 tấn/ha/năm so với các giống chè trung du.
Ngoài ra, Bắc Giang cũng đã đẩy mạnh sản xuất an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu. Diện tích rau an toàn đạt 12.400 ha; vải áp dụng quy trình VietGAP đạt 15.400 ha; đăng ký thành công nhận nhãn hiệu tại 8 quốc gia; chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản (năm 2021), cấp nhãn hiệu tập thể vải sớm Phúc Hoà, huyện Tân Yên… Hiện nay tỉnh Bắc Giang đang thực hiện bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu chứng nhận nhãn muộn Yên Thế...
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động trồng trọt, như xây dựng bản đồ số hoá các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó đã có 139 vùng sản xuất lúa tập trung, tổng diện tích 18.446 ha; 78 vùng rau, tổng diện tích 7.254 ha; 42 vùng vải, tổng diện tích 21.186 ha; 9 vùng sản xuất cam, tổng diện tích 2.750 ha...
Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững, xây dựng phầm mềm và số hoá cho 209 vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 4.246 ha, tập trung vào nhóm sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh, như vải thiều, nhãn, bưởi và vú sữa... qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, tăng khả năng tiếp cận thị trường, truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm cây ăn quả chủ lực, có thế mạnh của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang cũng quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thành vùng tập trung với quy mô lớn, tạo thuận lợi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá đồng bộ, gắn liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Nhờ vậy, đến nay, tại tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao, như: Vùng sản xuất vải thiều tập trung tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên; vùng cây có múi ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang...; vùng rau chế biến rau an toàn tập trung tại huyện Tân Yên, Lạng Giang; vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung tại huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng...
Nhiều sản phẩm đã xây dựng thương hiệu hàng hóa có giá trị kinh tế cao, ổn định, có thị trường tiêu thụ: Vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, lúa thơm Yên Dũng, lạc giống Tân Yên, ổi Tân Yên, bưởi Lục Ngạn, cam Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Bản Ven Yên Thế, rau cần Hoàng Lương-Hiệp Hoà,...
Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả nói trên, Bắc Giang cũng đang gặp vướng mắc, đó là làm sao để không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại khi chuyển sang trồng cây ăn quả. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu cho Chính phủ có chính sách đặc thù đối với những vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp ở các xã miền núi - là vùng trọng điểm cây ăn quả, được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa đất sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình yên tâm đầu tư sản xuất bền vững.
Thiện Tâm