Đại diện một tỉnh có nhiều kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án xanh, ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã chia sẻ những chính sách mà tỉnh đã áp dụng trong thời gian qua để thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như những bài học hay, kinh nghiệm quý được rút ra.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, Nghị quyết Đại hội 19 của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Hưng Yên đã và đang tích cực chuyển dịch từ kinh tế "nâu" sang "xanh" với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Hưng Yên luôn đạt top cao của cả nước. Năm 2024, GDP của tỉnh Hưng Yên ước tăng 8,17% và tính cả giai đoạn 2021-2025 ước tăng 9,69%. Năm 2024, thu ngân sách tỉnh Hưng Yên đạt 39.446 tỷ đồng đạt 120% kế hoạch. Năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; chỉ số xanh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Năm 2024, thu hút đầu tư ước đạt 25.751 tỷ đồng và 801 triệu USD. Trong đó có 138 dự án đầu tư mới nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh lên 2.328 dự án.
Để thu hút đầu tư, đồng thời sự chuyển dịch kinh tế từ "nâu" sang "xanh", thời gian qua, tỉnh đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách.
Thứ nhất là đồng bộ về cơ sở hạ tầng để tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư. Tỉnh đã tập trung thực hiện các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Tập trung triển khai các khu, cụm công nghiệp; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông suốt. Trên địa bàn tỉnh đang tiến hành thực hiện các dự án của quốc gia như dự án vành đai 4, dự án vành đai 3,5; các tuyến đường kết nối giữa đường Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và các tuyến đường trong tỉnh. Hưng Yên đã đồng bộ phát triển hệ thống cấp nước, cấp điện và các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc để phục vụ sản xuất.
Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã khánh thành đường dây 500 kW mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối. Các hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đảm bảo để phục vụ cho các nhà đầu tư phát triển công nghiệp. Tỉnh luôn quan tâm đầu tư, hoàn thiện các hệ thống hạ tầng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, công trình thương mại dịch vụ văn hóa; cơ sở đào tạo nghề, y tế để phục vụ nhu cầu cơ bản, thiết thực cho người lao động, đã ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân và người lao động.
Thứ hai là giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh và dịch vụ; hỗ trợ đầu tư. "Chúng tôi luôn luôn quan tâm thực hiện các chương trình, kế hoạch để cải cách thủ tục hành chính và rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính", ông Nguyễn Hùng Nam chia sẻ.
Thứ ba là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. "Hưng Yên là tỉnh có diện tích không lớn nên chúng tôi rất quan tâm đến lựa chọn các nhà đầu tư", ông Nguyễn Hùng Nam nói và cho biết hàng năm tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ. Ngoài ra, địa phương cũng mời các hiệp hội đầu tư nước ngoài như của Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu đến làm việc với tỉnh và thường xuyên, định kỳ đối thoại với các doanh nghiệp trong nước như các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại tỉnh để lắng nghe, chia sẻ và hoàn thiện các chính sách của mình.
Về chính sách ưu đãi đầu tư: Để thu hút các dự án trên địa bàn, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện các chính sách đầu tư chủ yếu về tài chính, thuế và tín dụng, đất đai. Trong đó hỗ trợ cho thuê đất và công tác giải phóng mặt bằng cùng hỗ trợ kinh phí đào nghề cho người lao động.
Về bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tỉnh triển khai đồng bộ hàng loạt các đề án, chương trình, giải pháp toàn diện trong các lĩnh vực có tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Về thương mại, Hưng Yên đã ban hành Đề án nói không với rác thải nhựa và túi nilong tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chợ dân sinh.
Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chủ động hướng dẫn người dân đổi mới phương thức canh tác để hoàn thiện; giảm cường độ phác thải khí nhà kính. Đến nay, Hưng Yên đã chứng nhận cho 305 mô hình trồng trọt và 113 mô hình chăn nuôi, 23.000 mô hình thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Về lĩnh vực giao thông vận tải, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vận hành các phương tiện giao thông công cộng.
Về lĩnh vực đô thị, tỉnh từng bước thúc đẩy đô thị hóa theo hướng thông minh, bền vững và có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, Hưng Yên đề xuất các dự án phục vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trương và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã ban hành Chương trình bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 và đang triển khai đề án thu gom nước thải sinh hoạt trong khu dân cư và các đề án về thu gom xử lý các chất thải rắn.
"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục, tích cực chỉ đạo chuyển dịch nền kinh tế ‘nâu’ sang ‘xanh’ với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường, thiên nhiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho hay.
Là một tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại gần 200 quốc gia trên thế giới với lịch sử hoạt động gần 160 năm, Nestlé luôn coi trọng những nguyên tắc phát triển bền vững trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với thực hiện trách nhiệm xã hội. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Nestlé Việt Nam luôn cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam với tầm nhìn trở thành "Công ty toàn cầu gắn kết địa phương tiên phong trong phát triển bền vững".
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc thực phẩm sản xuất ra mang tính bền vững, vì vậy Nestlé luôn đặt vấn đề phát triển bền vững ở tầm quan trọng, ưu tiên cao. "Tại Việt Nam, tính đến nay, chúng tôi đã có 2 nhà máy ở Hưng Yên, 3 nhà máy tại Đồng Nai và 1 nhà máy tại Long An. Trong mọi hoạt động cũng như dự án, chúng tôi luôn tính đến tính bền vững trong toàn chuỗi giá trị".
Ông Binu Jacob chia sẻ một số sáng kiến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Nestlé đã và đang triển khai ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đầu tiên là bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững. Ngành hàng mà doanh nghiệp hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là cà phê. "Chúng tôi luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững", Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho hay.
Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, Nestlé đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp nông nghiệp tái sinh giúp giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40-60% lượng nước tưới.
Nestlé cũng tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả nhà máy của mình. Trong 3 năm vừa qua, Nestlé là một trong số ít những công ty ở Việt Nam nhận được chứng chỉ của tổ chức Water Stewardship cho những giải pháp tiết kiệm nước. Hiện nay, doanh nghiệp này thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa là hoàn trả và tái tạo 100% nước đã đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, có một sáng kiến nữa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đó là Nestlé cam kết phát triển bao bì bền vững. Hiện gần 95% bao bì của Nestlé tại Việt Nam đã được thiết kế để có thể tái chế. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với kết quả đó, chúng tôi luôn muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu và mong muốn tìm kiếm được những cách thức để có thể tăng tỷ lệ tái chế", ông Binu Jacob cho hay.
Nestlé cũng áp dụng các giải pháp năng lượng hiệu quả như năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, các giải pháp thu hồi nhiệt và sử dụng năng lượng hiệu quả… Họ cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng như UBND các địa phương để có thể đóng góp vào việc hiện thực hóa cam kết chung của Việt Nam về việc đạt Net Zero vào năm 2050.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Nestlé rất quan tâm tới việc khuyến khích lối sống lành mạnh.
Một vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới hiện nay là trẻ em ngày càng ít quan tâm tới các hoạt động thể chất do bị hấp dẫn bởi điện thoại di động, các thiết bị cầm tay. Do vậy, thông qua hợp tác với các đối tác, trong đó có Bộ GD&ĐT, Nestlé đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, hoạt động để khuyến khích trẻ em Việt Nam năng động hơn, tham gia hoạt động thể chất nhiều hơn. Mỗi năm, các hoạt động, phong trào của Nestlé Việt Nam đã thu hút hơn 500.000 trẻ em tham gia vào các hoạt động thể chất.
Doanh nghiệp này cũng hỗ trợ rất nhiều việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và sinh kế cho phụ nữ nông thôn, đã tổ chức chương trình đào tạo cho 1,7 triệu phụ nữ nông thôn, giúp họ cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc.
Nhật Linh
(Còn tiếp)