Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tăng trưởng xanh - Sự lựa chọn tất yếu, xu thế toàn cầu
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT Lê Việt Anh cho rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan liên quan đến tiến trình tăng trưởng bền vững và tăng trưởng xanh. Chúng ta có thể chỉ ra rằng doanh nghiệp còn gặp tương đối nhiều khó khăn trong việc xác định mình được hưởng cơ chế ưu đãi nào từ phía Chính phủ. Vì vậy, theo ông Lê Việt Anh, Chính phủ cần có hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp, các dự án đầu tư được xác định là xanh. Trên cơ sở đó, thiết kế các cơ chế, chính sách mang tính đồng lợi ích và hướng định để làm sao doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách như vậy sẽ có đóng góp tích cực cho kinh tế, xã hội.
"Chúng ta biết rằng trong môi trường kinh doanh có những lợi ích xung đột và Nhà nước phải làm sao thiết kế các cơ chế chính sách để các lợi ích này, xung đột này sẽ phục vụ cho mục đích cuối cùng là đảm bảo môi trường kinh doanh đáp ứng tăng trưởng bền vững và tăng trưởng xanh", ông Lê Việt Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Việt Anh, trong thời gian vừa qua, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Thách thức đó đến từ môi trường chung cũng như từ các doanh nghiệp. Nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh cũng cần phải củng cố trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ càng hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh.
Nội dung này cũng liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, tuyên truyền cũng như hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc sẽ được áp dụng, sẽ được ưu đãi về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiện quá trình chưa được chuẩn xác liên quan đến các chứng nhận, chứng chỉ về môi trường và về tăng trưởng xanh. Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách để có thưởng phạt phân minh, tức là ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ngành và lĩnh vực để không bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng như công luận.
Một khó khăn nữa chúng ta cũng không thể bỏ qua liên quan đến tiến trình tăng trưởng bền vững và phát triển xanh là chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn. Có nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ cũng như đầu tư đổi mới trong dài hạn, đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải khí nhà kính hoặc các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
"Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách hết sức rõ ràng để hỗ trợ các doanh nghiệp này trong quá trình chuyển đổi. Tất nhiên, từ phía doanh nghiệp cũng phải xác định rõ về mặt dài hạn, chuyển đổi theo hướng xanh mang lợi lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải nhận thức rằng lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những cơ chế chính sách tiến bộ toàn thế giới hiện nay đang áp dụng", ông Lê Việt Anh tham góp ý kiến.
Liên quan đến bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh đã có nhiều tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cuộc chơi toàn cầu, vì vậy, theo ông Lê Việt Anh, chúng ta cần phải đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn toàn cầu thì mới tồn tại được trong thế giới biến động liên tục ngày nay. Có thể lấy ví dụ như vừa qua Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế kiểm soát carbon xuyên biên giới (CBAM). Cơ chế này tưởng chừng chưa ảnh hưởng ngay đến các khối doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, chỉ trong một vài năm tới, các doanh nghiệp không tìm hiểu rõ quy trình, quy chế, quy định này, đảm bảo hàng hóa, sản phẩm của mình đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện này thì lập tức sẽ chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Dưới góc nhìn của ngành công thương, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã chia sẻ thêm những khó khăn thách thức chính sách, từ cấp vĩ mô đến vi mô.
Ông Đông cho biết, từ góc độ của ngành công thương, nhận thấy một số khó khăn, thách thức cơ bản. Thứ nhất là về cơ chế, chính sách, chúng ta cần có những nhận định, phân tích, đánh giá, đồng thời phải có sự ghi nhận, cổ vũ và hỗ trợ để tăng cường nhận thức và định hướng cho việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, hướng tới hàng hoá, dịch vụ xanh, sạch. Cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ những vị trí đầu tàu, dẫn dắt, từ đó lan toả để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới, đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương.
Thứ hai, hiện nay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, để phát triển theo hướng xanh, bền vững thì việc thay đổi, chuyển đổi cũng như nâng cao, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, do đó để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cần phát huy, hỗ trợ để khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon để thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba là tầm nhìn và chiến lược của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế, vẫn mang tính thời vụ, ngắn hạn và trước mắt. Do đó để chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, vươn mình ra thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và đáp ứng xu thế chung của toàn cầu. Nếu chúng ta không thực hiện điều này thì việc chuyển đổi sẽ trở thành xa vời.
Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết tỉnh đã chuẩn bị và sẵn sàng để đón những nhà đầu tư lớn cho tăng trưởng xanh và đã có sự đồng hành đối với doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực xanh.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, mục tiêu của tỉnh Hưng Yên là tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Hưng Yên đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch theo hướng đồng bộ, thống nhất, bảo đảm phát huy, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực.
Tỉnh sẽ xây dựng, bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ theo các tiêu chí cụ thể, phù hợp với quy định của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cũng như phù hợp với điều kiện của tỉnh để thu hút các dự án lớn, dự án trọng điểm, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại, lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, luôn xác định đây là khâu quan trọng nhằm thu hút đầu tư có hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định công tác giải phóng mặt bằng là một trong những yếu tố góp phần mở cửa, kêu gọi dòng vốn đầu tư vào tỉnh", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ.
Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo các địa phương trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp. Phát triển mạnh, đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như là điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở cho công nhân…
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho hay, doanh nghiệp cũng có những khó khăn và thách thức lớn ở Việt Nam trong quá trình thực hiện tiến trình phát triển xanh.
"Nhưng đó là khó khăn chung vì đi đâu trên thế giới cũng gặp khó khăn này. Khi chúng ta gặp khó khăn thì chúng ta sẽ có cơ hội. Tuy nhiên, nó sẽ là gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi họ không có chuyên môn và chuyên gia tham gia, hoặc không có tính đổi mới cao. Khó khăn thách thức của Nestlé là cam kết phải đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Vì vậy, chúng ta phải có lộ trình để hướng tới mục tiêu này. Tôi tin tưởng tất cả các công ty có thể học hỏi cùng phát triển, kể cả chưa đạt được đến mức độ hoàn thiện", ông Binu Jacob chia sẻ.
Theo ông Binu Jacob, vấn đề quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải có một đối tác đa phương, không có công ty nào có thể giải quyết các vấn đề đơn phương được. Ví dụ, trong chương trình NESCAFÉ, Nestlé đã phối hợp với với Bộ NN&PTNT và các đối tác khác ở khu vực Tây Nguyên; trong chương trình liên quan đến trẻ em, họ làm việc với Bộ GD&ĐT; trong chương trình làm việc với phụ nữ, họ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ… Nestlé cũng phối hợp với các công ty để tạo thành một hiệp hội công ty đóng gói và thu thập nguyên vật liệu từ thị trường, xong tái chế…
Ngoài ra, theo Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, Việt Nam cần chú trọng xem xét tài năng của thế hệ trẻ. Trong 30 năm qua, khi Nestlé làm việc ở Việt Nam, họ đã tuyển chọn và đầu tư vào thế hệ trẻ, những người có tài năng thế hệ Z. Thế hệ Z này tập trung nhiều về tính bền vững. Họ tin vào nền kinh tế xanh và họ cũng có kinh nghiệm, tri thức. Được biết, hằng năm, Nestlé tập huấn hơn 120.000 người trẻ.
"Điều quan trọng nữa là phải có đối thoại về chính sách. Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở, có đối thoại với các ngành công nghiệp. Điều đó cho phép chúng tôi có ý kiến đóng góp vào chính sách. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn của họ", ông Binu Jacob nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, cũng cần giáo dục, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Ví dụ việc đóng gói các hộp nước, Nestlé đa phần đưa vào sử dụng từ các nguyên liệu tái chế. "Nhưng người tiêu dùng đa phần nghĩ nguyên liệu vứt đi chỉ được chúng tôi rửa và sử dụng lại. Nhưng không phải vậy. Để sử dụng nguyên liệu tái chế, chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn. Do vậy, chúng ta cần giáo dục và đào tạo, chia sẻ, cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để họ hiểu và hỗ trợ chúng ta", ông Binu Jacob chia sẻ và khẳng định nếu doanh nghiệp đi theo lộ trình "xanh" mà không được người tiêu dùng ủng hộ thì rất khó thực hiện. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp tin tưởng sẽ hoàn toàn đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Phương Liên
Bài 3: Chuyển dịch nền kinh tế từ ‘nâu’ sang ‘xanh’ - Từ địa phương tới doanh nghiệp