Xuất hiện nhiều loại ma túy mới nguy hiểm
Thời gian qua, Công an các địa phương đã bắt giữ nhiều đối tượng liên quan trong đường dây sản xuất, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy, phát hiện nhiều loại chất ma túy mới.
Một trong những tang vật thu giữ là các sản phẩm ghi công dụng tăng cường sinh lý cho nam giới nhưng thực chất là thảo mộc có chứa ma túy loại ADB-BUTINACA. Theo Công an Đà Nẵng, để tạo ra các loại ma túy trên, các đối tượng sử dụng lá cây sấy khô, sau đó tẩm ướp hóa chất để sản xuất, tên thường gọi là Tobaco hoặc cỏ Mỹ nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Khi giao dịch mua bán, các đối tượng quảng cáo dưới dạng thuốc lá điện tử, hoặc gói thảo mộc.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn hòa tan chất ADB-4en-PINACA thành dung dịch và phun tẩm vào mẫu cỏ khô cắt nhỏ, sợi thuốc lá điếu, thuốc lào hoặc pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử, khi sử dụng sẽ gây ảo giác tương tự như cần sa, ma túy. Người sử dụng chất này sẽ bị ảo giác mạnh, hoang tưởng, ảnh hưởng đến sức khỏe, có khi không làm chủ được bản thân, hành vi của mình, dẫn đến những hành động mất kiểm soát.
Trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống được giới trẻ ưa chuộng. Thủ đoạn của các đối tượng là nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với bột cà phê hoặc pha vào nước ngọt, soda... đóng thành túi, chai để bán. Đối tượng sử dụng các sản phẩm này thường là học sinh, sinh viên. Đặc điểm của các loại ma túy "núp bóng" này có bao bì bắt mắt ngụy trang dưới dạng thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát... nhưng có khả năng gây ảo giác mạnh, thậm chí tử vong nếu sử dụng quá liều.
Các sản phẩm ma túy "núp bóng" đã phát hiện ở nước ta như: Nước trái cây "Crispy Fruit" hương dâu, hương nho, hương xoài có chứa chất Bromazepam, Nimetazepam - đây đều là chất ma túy (thuộc danh mục III, Nghị định 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ); Chocolate nhãn hiệu "Chill Max" có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (danh mục IIC, Nghị định 57/2022/NĐ-CP); các loại "nước vui", "nước biển" chứa chất ma túy GHB; bánh cần, bánh lười "Lazy cakes" chứa cần sa; trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy Ketamine, MDMA…
Hiện một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada… đã đưa chất trên vào danh mục kiểm soát.
Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gần như tuần nào trung tâm cũng tiếp nhận ca ngộ độc MTHH. Trong đó, không ít trường hợp nguy kịch do sử dụng thuốc lá điện tử. Khi xét nghiệm các dung dịch thuốc lá điện tử mà các bệnh nhân này sử dụng, rất nhiều dung dịch có chứa MTTH.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: Dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử thường được quảng cáo là tinh dầu, tuy nhiên thực tế đây hoàn toàn là hóa chất tổng hợp. Trong dung dịch này thường chứa nicotine thậm chí cao hơn nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Bên cạnh đó là các chất như propylene glycol, glycerin nhằm giữ độ ẩm, bốc hơi giống như khói thuốc lá cùng các loại hương liệu, cần sa tổng hợp.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, tác hại khi sử dụng cần sa kéo dài là rất nghiêm trọng. Cần sa tổng hợp làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản như làm giảm số lượng tinh trùng, giảm rụng trứng, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, hành vi.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, mỗi loại ma túy có tác động khác nhau đến tâm, sinh lý của người sử dụng, việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp. Nguy hiểm hơn là sẽ gây ra tình trạng "nghiện" ở người sử dụng, tức là lệ thuộc hoàn toàn vào chất ma túy, sử dụng một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng "rối loạn thần kinh", thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nếu sử dụng quá mức độ chịu đựng của cơ thể.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, hiện nay thế giới có khoảng gần 600 loại MTTH và các tiền chất dạng ma túy; trong số đó, nhiều loại ma túy mới chưa có nghiên cứu, đánh giá, hay các phương pháp để phân biệt, xác định là loại ma túy gì. MTTH làm cho não bộ người sử dụng bị tổn thương nặng nề, gây loạn thần, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, có xu hướng phạm tội sau khi sử dụng. Nếu như heroin, thuốc phiện gây hưng phấn trong vài giờ thì MTTH tạo hưng cảm tới 3-4 ngày. Trong thời gian này, người sử dụng sống trong thế giới hoang tưởng, thậm chí như thấy có "tiếng nói" trong đầu xui khiến họ tấn công người khác.
Lập "hàng rào" bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy
Để góp ngăn chặn các loại ma tuý mới núp bóng dưới các dạng thảo mộc, nước giải khát, thuốc lá điện tử, Bộ Công an cũng như các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy do Bộ Công an tổ chức, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nêu rõ: Trước những tác động tiêu cực của ma túy đến đời sống xã hội, Bộ Công an, với vai trò Cơ quan Thường trực Phòng chống ma túy của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Nổi bật, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tháng 3/2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa 14 thông qua Luật Phòng chống ma túy, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống ma túy, Chương trình Phòng chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, công tác phòng chống ma túy năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng; hoàn thành đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra. Nổi bật, công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các lực lượng chuyên trách của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan đã phối hợp, hiệp đồng hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Ma túy "nước biển" và "nước vui" được ngụy trang dưới vỏ bọc các loại nước giải khát. Loại ma túy này rất nguy hiểm nếu sinh viên, học sinh, trẻ nhỏ sử dụng - Ảnh: VGP
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy được tăng cường mở rộng, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, với các loại ma túy thế hệ mới, lực lượng Công an trên toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động trao đổi thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đường dây, đối tượng, tụ điểm phạm tội ma túy hoạt động liên tỉnh và xuyên quốc gia. Đồng thời, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, triệt xóa nhiều tụ điểm phức tạp, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội.
Dự báo được trước tình hình tội phạm hoạt động liên quan đến các loại ma túy mới được ngụy trang trong thực phẩm, đồ uống sẽ diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã đề nghị Công an các địa phương phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, nhà trường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống ma túy, tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy. Đặc biệt là cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn với ma túy nhằm cảnh báo tới nhà trường, phụ huynh và giới trẻ cũng như toàn xã hội về tác hại của các loại ma túy "núp bóng".
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng... Cùng với đó, chủ động rà soát, phối hợp lực lượng công an cơ sở phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định những hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy nói chung, ma túy dưới dạng pha trộn thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc nói riêng...
Đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện và các hộ kinh doanh khác, tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc... để bày bán dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như các thực phẩm thông thường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng Dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và trách nhiệm của các thành viên nhà trường trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập trường học, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực nhạy cảm, phức tạp.
Để phòng, chống ma túy nói chung, các loại ma túy mới, thuốc lá điện tử xâm nhập học đường nói riêng, gây tổn hại đến học sinh thì các trường học, gia đình và toàn xã hội cần phối hợp chặt chẽ để trở thành "lá chắn thép", trang bị cho giới trẻ những kiến thức, kỹ năng cũng như sức đề kháng để tự bảo vệ bản thân trước hiểm họa khôn lường từ ma túy cũng như quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Vĩnh Hoàng