• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Không khuất phục trước tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ

(Chinhphu.vn) - Giống như nhiều loại tội phạm khác, tội phạm ma túy hiện nay đã và đang triệt để lợi dụng thành tựu của KHCN để thực hiện các hành vi phạm tội. Tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao thì lực lượng chức năng không thể “thủ công”. Vì thế, Bộ Công an đã sớm nhận diện và có biện pháp phòng ngừa.

19/08/2022 15:43
Không ‘bó tay’ với tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ - Ảnh 1.

Nhiều kênh, hội nhóm, tài khoản có hoạt động quảng cáo, mua bán trái phép chất ma tuý trên mạng xã hội

Nhận diện tội phạm ma túy thời công nghệ

389 kênh, hội nhóm, tài khoản cá nhân có hoạt động quảng cáo, mua bán trái phép chất ma tuý trên không gian mạng, 13 website có nội dung quảng cáo, hướng dẫn trồng cây cần sa, thuốc phiện được Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, phát hiện mới đây.

Triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng xã hội và các ứng dụng OTT (Facebook, Youtube, WhatsApp, Instagram, TikTok, Zalo, Viber, Messenger, Wechat…) để liên lạc, mua bán, trao đổi ma túy gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của cơ quan chức năng.

Lập nhóm kín trên mạng xã hội để trao đổi thông tin rồi gửi/nhận hàng hóa thông qua các công ty dịch vụ vận chuyển (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ... 

Đây là thủ đoạn mà nhiều đối tượng phạm tội ma túy sử dụng gần đây đã bị các lực lượng chức năng phát hiện, đẩy mạnh xử lý và ngăn chặn kịp thời.

Điển hình như việc bắt giữ "bà trùm" Trần Thị Mậu (SN 1968, ở huyện Đô Lương, Nghệ An) điều hành đường dây ma túy xuyên quốc gia vào tháng 11/2021. Thủ đoạn của "bà trùm" này rất ranh ma, xảo quyệt, điều hành đường dây ma túy từ xa, qua mạng xã hội.

Nguồn ma túy được các đối tượng đặt mua của các "ông chủ" bên Lào, sau khi thống nhất số lượng, giá cả, "ông chủ" sẽ thuê người gùi ma túy cắt qua những cánh rừng hẻo lánh tập kết ở khu vực biên giới huyện Anh Sơn, Nghệ An giáp Lào. Thời điểm giao ma túy là nửa đêm, từ 22h đến 24h. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng phân công người chia thành nhiều lớp cảnh giới.

Với đường dây này, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can, thu giữ 64 kg ma túy tổng hợp, 20 bánh heroin cùng nhiều vật chứng liên quan.

Hay như vào tháng 7/2022, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Quận 1 (Công an TPHCM) phối hợp với Công an phường Cầu Kho phát hiện 600 viên ma túy tổng hợp và số lượng lớn ma túy đá, ketamine được các đối tượng ngụy trang trong hộp đựng tinh dầu.

Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng đã bỏ ma túy vào hộp giấy đựng tinh dầu, cố định bằng các cục pin và đánh dấu các ký hiệu đặc biệt trên các hộp giấy để xác định loại, số lượng ma túy, khi có khách đặt mua ma túy. Sau đó, chúng gửi shipper (nhân viên giao hàng) đi giao cho khách và ghi nội dung đơn hàng là tinh dầu để không bị chú ý. Các đối tượng khai nhận đã nhiều lần mua bán ma túy thông qua hình thức gửi hàng qua các ứng dụng giao hàng Grab, GoViet...

Không những vậy, trong nhiều chuyên án, lực lượng công an còn phải "đối đầu" với các đối tượng rất am hiểu và giỏi công nghệ cao.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Bộ Công an) cho biết, một trong những chuyên án nổi bật mà lực lượng cảnh sát ma tuý phải dày công là vụ triệt phá đường dây tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản vào ngày 8/1/2021 tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và Công an tỉnh Bắc Ninh bắt 6 đối tượng (3 đối tượng người Trung Quốc, 3 đối tượng người Việt Nam), thu giữ 150 bánh heroin; 37 máy POS của các ngân hàng, 4 máy làm giả thẻ ngân hàng, 19 thẻ ngân hàng các loại, khoảng 1.200 hóa đơn giao dịch chuyển khoản, 5.000 USD và nhiều vật chứng khác có liên quan.

Tài liệu trinh sát và kết quả điều tra cho thấy, đây là tổ chức tội phạm mang tính chuyên nghiệp, được tổ chức chặt chẽ liên quan đến nhiều tội danh khác nhau như mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về xuất, nhập cảnh; tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Nhóm chủ mưu, cầm đầu có trình độ, am hiểu công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, phương thức thủ đoạn che giấu rất tinh vi. Chúng lợi dụng mạng Internet, các trang mạng xã hội để liên lạc, giao dịch nên khó xác định được địa bàn cụ thể, danh tính, địa chỉ thật. Trong vụ án này, bị can, bị hại và người liên quan nhiều, trải rộng trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đường dây tội phạm này có dấu hiệu chuyển hàng trăm tỷ đồng ra nước ngoài.

Không ‘bó tay’ với tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (thứ tư từ trái qua) chỉ đạo khám xét nơi ở đối tượng mua bán ma tuý, có dấu hiệu chuyển tiền ra nước ngoài - Ảnh: C04 cung cấp

Không chỉ trên đường bộ, tội phạm ma túy trên tuyến biển cũng có dấu hiệu sử dụng công nghệ cao vào hành vi phạm tội.

Thượng tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy (Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho hay, thời gian qua, rất nhiều ma túy vớt được trôi nổi trên biển, có thể do thời tiết, điều kiện khách quan, do tàu thuyền bị chìm đắm hoặc do sự nghi ngờ, phát hiện của các quan chức năng nên các đối tượng này ném ma túy xuống biển để phi tang.

Tuy nhiên, một giả thuyết hoàn toàn có thể đặt ra là tội phạm gắn chip định vị vào ma túy sau đó thả xuống biển để các đối tượng khác đến, tiếp cận và nhận hàng thay vì giao nhận trực tiếp với nhau. Đây là một thủ đoạn mới rất tinh vi, sử dụng công nghệ cao nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang.

Theo số liệu của Bộ Công an, 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã đấu tranh thành công trên 16.300 vụ, bắt giữ trên 24.000 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 500 kg heroin, hơn 1 tấn và 3 triệu viên ma túy tổng hợp, hơn 175 kg cần sa, 141 khẩu súng cùng nhiều vật chức có liên quan.

Trong đó có nhiều vụ án, các đường dây ma túy sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Đặc biệt, đối với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, thông qua mạng Internet, các đối tượng có thể giám sát hành trình vận chuyển của lô hàng do các bưu kiện khi gửi được đại lý chuyển phát nhanh cấp một tài khoản để theo dõi. Nếu hàng hóa không thông quan đúng thời gian, các đối tượng lập tức bỏ hàng, cắt liên lạc khiến công tác điều tra, bắt giữ đối tượng đi vào "ngõ cụt" hoặc thu giữ hàng vô chủ.

Không ‘bó tay’ với tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ - Ảnh 3.

Hải quan kiểm tra bằng hệ thống máy soi hành lý HI-SCAN để phát hiện ma túy

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN để đấu tranh hiệu quả

Sớm nhận diện vấn đề tội phạm ma túy là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia và ngày càng có xu hướng lợi dụng KHCN để thực hiện tội phạm, Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về "đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới".

Tại Công văn số 5370/VPCP-KGVX ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các dự án trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.

Trong đó có nội dung về xây dựng hệ thống phòng ngừa nghiệp vụ phục vụ kiểm soát, ngăn chặn ma túy; trang bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đặc thù, chuyên dùng, thiết bị phân tích chuyên sâu để truy nguyên ngồn gốc và phát hiện các chất ma túy mới cho lực Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và lực lượng Kỹ thuật hình sự.

Để triển khai Chỉ thị 36-CT/TW và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 với Bộ KH&CN; ban hành Chương trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong phòng, chống tội phạm ma túy nhằm tăng cường tiềm lực khoa học, đầu tư mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, thời gian qua Bộ Công an (chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. 

Trong đó tập trung phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ (lực lượng Kỹ thuật hình sự, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao); các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng tăng cường theo dõi, phát hiện, giám sát các tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động trên không gian mạng để xác lập chuyên án đấu tranh.

Đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, máy soi chiếu chuyên dùng để phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện và các dịch vụ chuyển phát nhanh.

Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản xuyên suốt theo 5 lĩnh vực của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, sớm nhận diện, đưa vào danh sách quản lý nghiệp vụ đối với nhóm đối tượng có khả năng, điều kiện lợi dụng khoa học công nghệ để phạm tội về ma túy; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây tội tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài có xu hướng hoạt động gắn với tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế… từ sớm, từ xa.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, hiện nay Cục đang tích cực phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ, Bộ Công an để tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong chế tạo, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách trong việc nhận thức, nắm bắt xu thế phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là các thiết bị kỹ thuật hiện đại sử dụng trong thông tin liên lạc, phát hiện, thu thập các loại chứng cứ điện tử, nguồn thông tin tội phạm ma túy, trang thiết bị tiên tiến để giám định, phát hiện các chất ma túy mới.

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với lực lượng phòng, chống ma túy các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, trình độ khoa học kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.

Hoàng Giang - Minh Anh