Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, năm 2022 được Tỉnh ủy xác định là năm "Đồng thuận, Sáng tạo, Phát triển". Với tinh thần đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Bến Tre đang trên đà phục hồi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 3,83%. Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành đạt 29.387 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỉ trọng 35,97%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỉ trọng 19,51%; khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 40,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỉ trọng 3,81%.
Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo được thực hiện kịp thời; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vữngTỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT khởi công cầu Rạch Miễu 2; trình Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh; triển khai các thủ tục về chủ trương đầu tư xây dựng cầu Đình Khao trên Quốc lộ 57 nối tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, dự báo tình hình trong 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong khi đó nhiệm vụ còn lại rất nặng nề. Điều này đòi hỏi vai trò điều hành quyết liệt của UBND tỉnh phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2022 đã đề ra.
Với tinh thần đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những giải pháp bổ sung 6 tháng cuối năm 2022 đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này.
Trong đó, ngoài phòng, chống dịch COVID-19 một cách chủ động, hiệu quả, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các công trình, dự án với mục tiêu giải ngân đạt 100% vốn đầu tư đã được phân bổ năm 2022. Tập trung thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh dự kiến triển khai trong năm 2022; tập trung triển khai các dự án đã ký kết với các nhà đầu tư chiến lược…
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua vào kỳ họp chuyên đề và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến yêu cầu ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành đến các ngành, các cấp và đến các đối tượng thụ hưởng nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết HĐND tỉnh, đảm bảo Nghị quyết đi vào cuộc sống.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để trình Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đúng thời gian quy định, với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP), thu ngân sách năm 2023 cao hơn năm 2022 nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách theo phân kỳ hàng năm.
Trong các phiên thảo luận/chất vấn tại kỳ họp, các ý kiến đều tập trung vào việc tìm giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong một số lĩnh vực, ngành hàng chủ yếu của tỉnh như với ngành dừa, các dự án trọng điểm, cải cách hành chính…
Thúc đẩy phát triển sản phẩm dừa hữu cơ
Hiện ở Bến Tre, giá nông sản nói chung, trong đó giá dừa khô, giá bưởi nói riêng xuống thấp khiến người trồng gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, trước mắt, ngành sẽ phối hợp với địa phương, doanh nghiệp chế biến dừa nắm sản lượng dừa còn tồn đọng trong vườn và có giải pháp tăng cường thu mua hết lượng dừa tồn đọng trong vườn.
Về lâu dài, cần tăng cường tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi sang sản xuất dừa hữu cơ, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ; xây dựng vùng sản xuất tập trung (trong đó dừa hữu cơ khoảng 15.000 ha)…
Ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động chế biến dừa thành các sản phẩm dầu dừa, nước dừa đóng lon, hàng mỹ nghệ, mỹ phẩm từ dừa để phục vụ xuất khẩu.
Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU, hỗ trợ các doanh nghiệp Bến Tre đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu…
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết ngoài tiếp tục xúc tiến thương mại, tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp có các kho chứa đủ lớn lưu trữ hàng hoá; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa và tiếp tục kiến nghị với cấp thẩm quyền đưa cây dừa là cây công nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Tam cũng đề nghị thời gian tới người dân tích cực tham gia chuỗi sản xuất dừa hữu cơ.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đô thị
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre Đoàn Công Dũng đã báo cáo tiến độ 19 dự án đô thị đang triển khai trên địa bàn và cho biết nhìn chung, tiến độ triển khai các dự án đảm bảo đúng quy trình, quy định.
Về giải pháp thời gian tới, ông Đoàn Công Dũng cho biết ngành tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy trình chọn lựa nhà đầu tư cũng như các quy trình giải phóng mặt bằng. Tăng cường tuyên truyền Luật Đất đai. Điều chỉnh hệ số đơn giá bồi thường nhà ở, công trình, vật kiến trúc.
Ưu tiên giải pháp xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện tái định cư nằm trong vùng dự án có điều kiện chuyển đổi ngành nghề phát triển kinh tế; rà soát đề xuất kết thúc chủ trương triển khai thực hiện các dự án có tiến độ triển khai chậm.
Ngành xây dựng cũng đề xuất cần có cơ chế báo cáo kiểm tra định kỳ tiến độ triển khai hàng tháng của các cơ quan chủ trì theo từng nội dung nhiệm vụ cụ thể nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng trường hợp phát sinh cụ thể của từng dự án.
Nỗ lực cải thiện chỉ số PAPI
Sau khi đề cập nguyên nhân dẫn đến sự tụt giảm thứ hạng "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh" (PAPI) của Bến Tre trong năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu đã nêu giải pháp cải thiện chỉ số PAPI trong thời gian tới.
Theo đó, tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của chỉ số PAPI và tác động của nó đến hiệu quả quản trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ.
Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung quyết liệt và sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả,…
Nguyễn Phương