Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kinh tế thủy sản-một trong những định hướng ưu tiên
Trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, phát triển kinh tế biển giữ vai trò chủ lực. Lĩnh vực này bao gồm: Kinh tế thủy sản, năng lượng, du lịch, đô thị.
Như vậy, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản (nuôi trồng và khai thác) đã được Bến Tre ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, về nuôi trồng, tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu. Phát triển các hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, môi trường và vệ sinh thực phẩm, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn.
Đặc biệt, Bến Tre chú trọng các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều lợi thế như: Tôm chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể; đồng thời nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi biển mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển toàn tỉnh đạt 41.500 ha, sản lượng 114.000 tấn/năm; đến năm 2030 diện tích nuôi biển đạt 42.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm.
Về khai thác hải sản, Bến Tre xác định phát triển theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ và các nghề lạm sát nguồn lợi hải sản. Phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc, ban hành chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản. Ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, xuất khẩu…
Sản lượng khai thác ổn định khoảng 200.000 tấn/năm, giá trị sản lượng tăng 30% vào năm 2025 so với năm 2020.
Ba "mũi nhọn" chủ lực
Trong phát triển kinh tế thủy sản, 3 huyện giáp biển (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú) chính là 3 "mũi nhọn" chủ lực của Bến Tre.
Với 27 km bờ biển, huyện Bình Đại xác định nuôi và đánh bắt thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, với diện tích nuôi thủy sản hằng năm đạt 18.380 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ khoảng 800 ha, sản lượng bình quân đạt 72.000 tấn/năm. Khai thác thủy sản phát triển theo hướng đánh bắt xa bờ. Tổng đoàn tàu trực tiếp khai thác trên biển hiện có 1.195 chiếc. Trong đó, đánh bắt xa bờ là 594 chiếc, sản lượng khai thác đạt trên 85.000 tấn/năm.
Bình Đại phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ từ 800 ha tăng lên 2.000 ha, với tổng sản lượng 80.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, huyện mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản tại KCN Phú Thuận và cụm công nghiệp Bình Thới giúp tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các loại mặt hàng nông, thủy sản tại địa phương.
Huyện Ba Tri có 4 xã ven biển với tổng chiều dài bờ biển gần 13 km. Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện xác định mục tiêu xây dựng Ba Tri trở thành "trung tâm kinh tế, văn hóa biển", đưa Ba Tri trở thành địa phương dẫn đầu về kinh tế biển của tỉnh Bến Tre vào năm 2030.
Thời gian qua, Ba Tri đã khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển, như: đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao gắn với phát triển khai thác thủy sản xa bờ, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên mời gọi đầu tư và khuyến khích các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển.
Thạnh Phú là huyện có chiều dài bờ biển hơn 26 km, có hệ thống sông ngòi dày đặc, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển với diện tích 2.780 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để Thạnh Phú phát triển các ngành kinh tế biển.
Hiện Thạnh Phú có 18.100 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng bình quân hằng năm trên 40.630 tấn các loại. Nuôi tôm thâm canh khoảng 3.600 ha, trong đó nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 750 ha, sản lượng trung bình đạt khoảng 40 tấn/ha mặt nước. Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi nghêu, sò, cua, cá các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mục tiêu trong thời gian tới của Thạnh Phú là chú trọng nuôi, khai thác và chế biến thủy sản dịch chuyển từ truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng bền vững. Mời gọi đầu tư phát triển mạnh nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 1.500 ha.
Bước đột phá: Nuôi tôm công nghệ cao
Tại Nghị quyết số 04, tỉnh Bến Tre nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tỉnh phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao (CNC).
Để đạt mục tiêu này, Bến Tre triển khai các giải pháp như: Tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng giống tôm biển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý môi trường, phát triển hoạt động chế biến tôm.
Đến năm 2025, sản phẩm tôm biển ứng dụng CNC được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và tỉ lệ liên kết đạt trên 60%. Tỉnh phấn đấu thành lập được ít nhất 3 HTX nuôi tôm có doanh thu 100 tỷ đồng. Sản phẩm tôm biển CNC sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ASC, chiếm tỷ lệ trên 70%.
Hiện ở Bến Tre, nhiều mô hình nuôi tôm CNC đã được thử nghiệm, áp dụng như: Nuôi tôm CNC kết hợp sản xuất điện mặt trời; nuôi tôm càng xanh thâm canh và bán thâm canh toàn đực; nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa... Các mô hình đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhiều doanh nghiệp có năng lực đã tham gia quy trình sản xuất con giống như Công ty TNHH Việt - Úc có khu sản xuất giống tôm nước lợ tại xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) với diện tích 55 ha; Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Giống thủy sản Toàn Cầu.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, đến nay, có 3 huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú) đã liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam trong việc hỗ trợ ngư dân về kỹ thuật, cung ứng vật tư, con giống, thức ăn và tiêu thụ để nuôi tôm công nghệ cao.
Tổng diện tích của mô hình này đạt hơn 2.000 ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha, ước sản lượng đạt 40.000 tấn. Tuy mới nuôi tôm công nghệ cao 2 năm nhưng hiệu quả mô hình này đạt rất cao với gần 90% ao nuôi có lãi.
Hiện nay, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) đang tư vấn cho tỉnh Bến Tre xây dựng Quy hoạch phát triển ngành tôm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của chương trình này là tập trung phát triển nhanh, mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi theo hướng sinh thái, hữu cơ với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nguyễn Phương