Các chuyên gia đều đồng thuận rằng phòng bệnh chủ động vẫn là biện pháp hiệu quả và bền vững nhất. Ảnh: VGP/Lê Anh
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh
Theo số liệu từ Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cả nước đã ghi nhận 32.189 ca mắc sốt xuất huyết Dengue tính từ đầu năm đến ngày 8/7/2025. Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7%. Tính đến đầu tháng 7/2025, khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc sốt xuất huyết Dengue của cả nước.
Riêng tại TPHCM, tính đến hết ngày 13/7/2025 (tuần 28), TPHCM ghi nhận 15.538 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 159,4% (9.548 ca) so với cùng kỳ năm 2024 (5.990 ca), và ghi nhận tổng cộng 10 ca tử vong (khu vực TPHCM cũ ghi nhận 6 ca tử vong, khu vực Bình Dương ghi nhận 3 ca tử vong và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 1 ca tử vong).
Bệnh thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trên thế giới, dù nhiều nước đã áp dụng các biện pháp phòng chống, song sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng hàng năm.
Trước tình hình dịch bệnh nói trên, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, người dân không nên lơ là, chủ quan mà nên tăng cường các biện pháp phòng dịch bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu bệnh cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, tránh để bệnh diễn biến nặng, khi đó sẽ gây ra thêm nhiều hệ lụy tới sức khỏe cho người bệnh.
Chia sẻ tại tọa đàm sức khỏe cộng đồng với chủ đề "Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ" do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức ngày 26/7, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết, năm nay dù mới đầu mùa dịch nhưng ngành y tế đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết nặng và có trường hợp tử vong ở người lớn.
Theo bác sĩ Khanh, điều nguy hiểm là nhiều người vẫn hiểu sai về sốt xuất huyết, chỉ nghĩ đến xuất huyết ngoài da, hoặc cho rằng chỉ trẻ nhỏ mới mắc. Trong khi đó, bệnh có thể diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt, khiến người lớn chủ quan, nhập viện muộn làm quá trình điều trị phức tạp hơn.
Nguy cơ lớn nhất của sốt xuất huyết là xảy ra sau khi hết sốt và đây là thời điểm mà người bệnh chủ quan nhất. "Người lớn dễ nghĩ hết sốt là hết bệnh, nhưng đây mới là giai đoạn dễ biến chứng, dẫn tới suy đa cơ quan hoặc tử vong. Những người có bệnh nền càng dễ bị bội nhiễm, kéo theo gánh nặng điều trị và tổn thất sức khỏe lâu dài", ông Khanh chia sẻ.
Là bệnh viện tuyến cuối, thường tiếp nhận những ca bệnh nặng từ nơi khác chuyển tới, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Trung Triệu, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn hiện gấp đôi trẻ em.
Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nhiều ca người lớn khỏe mạnh, người lớn có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp. Khi bị sốt xuất huyết Dengue, các ca này thường có diễn biến rất phức tạp với các biến chứng như sốc, suy gan và xuất huyết nghiêm trọng. Người lớn khi bị sốt xuất huyết Dengue nặng thì nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ em.
"Ngoài giai đoạn điều trị cấp tính, sốt xuất huyết Dengue còn để lại những hậu quả kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và chất lượng sống của người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Sau khi qua cơn nguy kịch, một số trẻ phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi kéo dài và rối loạn chức năng thần kinh. Có trường hợp cần phục hồi chức năng dài hạn như tập vật lý trị liệu, theo dõi dinh dưỡng và kiểm tra chuyên khoa định kỳ để tránh di chứng về sau", bác sĩ Triệu nói.
Không chỉ người bệnh, gia đình người bệnh cũng gánh chịu hậu quả nặng nề. Việc chăm sóc trẻ sau điều trị đòi hỏi thời gian, công sức và chi phí lớn, trong khi nhiều phụ huynh phải tạm nghỉ việc, từ bỏ nguồn thu nhập hoặc chịu áp lực tâm lý kéo dài. Điều này khiến sốt xuất huyết Dengue trở thành không chỉ là vấn đề y tế, mà còn là gánh nặng xã hội nếu không được phòng ngừa kịp thời và hiệu quả.
Từ đầu năm 2025 đến ngày 15/7/2025, TPHCM ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết, tăng 158% so với cùng kỳ. Ảnh điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM). Nguồn ảnh: Báo Thanh niên
Trước diễn tiến phức tạp và khó lường và những hậu quả nặng nề mà sốt xuất huyết Dengue có thể gây ra, các chuyên gia tại tọa đàm đều đồng thuận rằng phòng bệnh chủ động vẫn là biện pháp hiệu quả và bền vững nhất. Trong đó, giáo dục y tế cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì các biện pháp phòng bệnh một cách rộng khắp và thường xuyên.
Từ góc độ dịch tễ học, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh vai trò chủ động của từng cá nhân và các trong việc cắt đứt chuỗi lây truyền bệnh từ sớm: "Phòng chống sốt xuất huyết Dengue không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế. Dịch bệnh chỉ thật sự được kiểm soát khi từng người dân hiểu rằng hành động nhỏ như dọn dẹp vật chứa nước quanh nhà, ngủ mùng cả ban ngày. Ngoài ra, việc cải thiện về năng lực của hệ thống tuyến trên cùng sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan bộ ban ngành cũng cần thiết cho người dân. Đây chính là những cách thiết thực nhất để tự bảo vệ và ngăn bệnh lây lan trong cộng đồng, bên cạnh những biện pháp vừa nêu thì tiêm chủng cũng là một trong những biện pháp giúp tăng cường phòng bệnh".
Ở tuyến điều trị lâm sàng, TS. BS. Huỳnh Trung Triệu cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết Dengue chuyển nặng ở người lớn nếu phát hiện muộn: "Với các nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, thai phụ, bệnh nền), sốt xuất huyết Dengue diễn biến nặng rất nhanh và khó lường, quá trình điều trị rất vất vả và thời gian nằm viện để phục hồi cơ thể cũng kéo dài. Vậy nên cần phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo và theo dõi sát ngay từ ngày đầu mắc bệnh".
Từ thực tế điều trị tại nhi khoa, ThS. BS. Lê Thị Mỹ Duyên kêu gọi phụ huynh chủ động bảo vệ con: "Sốt xuất huyết Dengue không chỉ là cơn sốt, nếu diễn tiến nặng, bệnh có thể để lại một số di chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ đồng thời kéo theo gánh nặng tài chính, tinh thần cho cả gia đình. Đặc biệt, nếu cơ thể có bệnh nền, quá trình phục hồi sẽ kéo dài lâu hơn. Thực tế, có trường hợp bệnh nhi mặc dù đã điều trị khỏi sốt xuất huyết nhưng vẫn chịu tình trạng suy thận kéo dài và phải thăm khám định kỳ. Vậy nên phụ huynh hãy là tấm khiên vững chắc nhất cho con bằng cách chủ động diệt muỗi, nhận biết sớm dấu hiệu bệnh và đưa con đến viện kịp thời. Đừng để sự chủ quan nhỏ hôm nay biến thành sự nuối tiếc về sau".
"Sốt xuất huyết Dengue lây qua muỗi vằn truyền bệnh. Vì vậy, cần chủ động mặc áo tay dài, mắc màn cả ngày lẫn đêm, dùng kem chống muỗi đúng cách, kiểm soát các vũng nước đọng quanh nhà, diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, tiêm chủng là một biện pháp dự phòng hiệu quả" - ThS. BS. Lê Thị Mỹ Duyên cho biết thêm.
Trước tình hình đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu HCDC phối hợp với trung tâm y tế khu vực chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với UBND phường, xã, đặc khu huy động ban ngành đoàn thể, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, thu gom, dọn dẹp các vật chứa nước tại những điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết không có người quản lý trên địa bàn; quyết tâm không để sót các ổ dịch tiềm ẩn phát sinh nguồn muỗi truyền bệnh, "không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết.
Sở Y tế TPHCM kêu gọi các đơn vị và từng nhân viên y tế cùng toàn thể người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phát hiện sớm, xử trí kịp thời các trường hợp mắc bệnh.
Đồng thời, tuân thủ hướng dẫn điều trị từ cơ sở y tế, không tự ý truyền dịch tại nhà; đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như: vật vã, lừ đừ, mệt, đau bụng nhiều, nôn ói, tiểu ít, chảy máu chân răng, mũi, dưới da…
Ngày 20/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 116/CD-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo Công điện, từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực phía Nam, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2024, một số địa phương đã có trường hợp tử vong. Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, phải tăng cường giám sát, hướng dẫn xử lý ổ dịch, tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại bỏ lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.
Lê Anh