In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024 (3)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024 (3).

27/12/2024 23:41
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024 (3)- Ảnh 1.

Ủy ban nhân dân phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội.

Quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân phường của thành phố Hà Nội

Chính phủ ban hành Nghị định số 169/2024/NĐ-CP ngày 27/12/2024 quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân phường của thành phố Hà Nội.

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường

Nghị định nêu rõ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 Luật Thủ đô.

Các công chức khác của Ủy ban nhân dân phường gồm: 1- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự; 2- Văn phòng - thống kê; 3- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; 4- Tài chính - kế toán; 5- Tư pháp - hộ tịch; 6- Văn hóa - xã hội.

Nguyên tắc hoạt động của Ủy ban nhân dân phường

Theo Nghị định, Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội (thành phố) quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho đến khi có quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban nhân dân phường và các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường được phân cấp, ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều 13 và Điều 14 Luật Thủ đô phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tập thể quy định tại khoản này gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và công chức khác có liên quan.

Hoạt động của UBND phường phải đáp ứng sự hài lòng của người dân

Hoạt động của Ủy ban nhân dân phường phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại phường theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của Ủy ban nhân dân phường dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trưởng công an phường tham mưu, chịu sự chỉ đạo điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trong việc thực hiện nhiệm vụ về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Theo Nghị định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành toàn diện mọi hoạt động của Ủy ban nhân dân phường theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường trực tiếp sử dụng và quản lý công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường theo quy định của Luật Thủ đô và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường với chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở phường và chịu trách nhiệm về các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều này thì bị xem xét xử lý theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và quy định của pháp luật có liên quan.

Tổ chức các cuộc họp của Ủy ban nhân dân phường

Việc tổ chức các cuộc họp của Ủy ban nhân dân phường thực hiện theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường triệu tập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mời Bí thư đảng ủy phường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội phường, Trưởng Công an phường, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố tham dự cuộc họp khi nội dung cuộc họp có các vấn đề liên quan.

Kết luận cuộc họp liên quan đến người dân phải được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân phường (trừ thông tin thuộc bí mật Nhà nước) theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường để thông tin công khai, kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và Nhân dân biết, thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024 (3)- Ảnh 2.

Nghị định số 170/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng

Chính phủ ban hành Nghị định số 170/2024/NĐ-CP ngày 27/12/2024 quy định chi tiết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Nghị định này quy định cụ thể về tổ chức hoạt động của UBND quận và chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận; tổ chức hoạt động của UBND phường và chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường; bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại UBND quận và cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (thành phố).

Cơ cấu tổ chức của UBND quận

Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của UBND quận được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Về nguyên tắc hoạt động, UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND quận quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, Chủ tịch UBND quận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận quy định tại các điểm b, c, đ, e, g, l, m khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 136/2024/QH15 (trừ nhiệm vụ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận và văn bản trái pháp luật của UBND phường) phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch UBND quận quyết định. Công chức của quận làm việc theo Quy chế làm việc của UBND quận, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hoạt động của UBND quận phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của UBND quận. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại quận và theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của UBND quận dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...

Cơ cấu tổ chức của UBND phường

Cơ cấu tổ chức của UBND phường được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 136/2024/QH15.

Các công chức khác của UBND phường gồm: Văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.

Về nguyên tắc làm việc, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND phường quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường, Chủ tịch UBND phường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND phường quy định tại các điểm b, c và g khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 136/2024/QH15 phải được thảo luận tập thể trước khi Chủ tịch UBND phường quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Hoạt động của UBND phường phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của UBND phường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại phường theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của UBND phường dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...

Trưởng Công an phường tham mưu, chịu sự chỉ đạo điều hành của Chủ tịch UBND phường trong việc thực hiện nhiệm vụ về an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật...

Số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã

Nghị định quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thuộc biên chế cán bộ, công chức quận, huyện thuộc thành phố; do UBND quận, huyện quản lý, sử dụng.

Số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thực hiện theo quy định của Chính phủ về số lượng cán bộ, công chức cấp xã.

Quyết định và phân bổ số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã

Hàng năm, UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã đối với từng quận, huyện thuộc thành phố trong tổng số lượng cán bộ, công chức giao cho UBND quận, huyện nhưng phải bảo đảm tổng số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thuộc các quận, huyện không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã tính cho cả thành phố theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã đối với từng quận, huyện do HĐND thành phố quyết định theo quy định trên UBND quận, huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức làm việc tại từng phường, xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức làm việc tại phường, xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng phường, xã. Số lượng cán bộ, công chức ở từng phường, xã có thể thấp hơn mức của phường, xã loại III hoặc có thể cao hơn mức của phường, xã loại I theo quy định của pháp luật, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã của cả quận, huyện được HĐND thành phố giao.

Nghị định quy định việc bầu cử, sử dụng, quản lý, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ làm việc tại phường, xã của thành phố thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐN và quy định khác của pháp luật có liên quan, điều lệ, quy định của Đảng và của tổ chức chính trị -xã hội ở trung ương.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024 (3)- Ảnh 3.

Ban hành Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ban hành Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 24/2024/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 ban hành Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn gồm:

1. Danh mục chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn gồm 51 chỉ tiêu quy định tại Phụ lục I.

Cụ thể, Nhóm "Nông nghiệp" có các chỉ tiêu: Tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản so với tổng lao động có việc làm trong nền kinh tế; tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; năng suất lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản...

Nhóm "Nông dân và nông thôn" gồm các chỉ tiêu: Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh ở nông thôn; số lao động nông thôn được đào tạo nghề trong năm; tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn; tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn; tốc độ tăng giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn; số làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn; số lao động thường xuyên làm việc trong làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn; tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn...

2. Nội dung chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn gồm khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp quy định tại Phụ lục II.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, tổng hợp thông tin từ các bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Quyết định này; thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu được phân công phụ trách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thu thập, tổng hợp thông tin thống kê và cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình thực hiện các chỉ tiêu được phân công phụ trách; hướng dẫn thực hiện về chuyên môn nghiệp vụ Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan thu thập, tổng hợp thông tin thống kê và cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình thực hiện các chỉ tiêu được phân công phụ trách.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp thu thập thông tin các chỉ tiêu thuộc bộ chỉ tiêu này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/2/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024 (3)- Ảnh 4.

Tượng đài Di tích Quốc gia đặc biệt Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hình thành điểm du lịch thăm quan về nguồn đặc sắc

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện, bảo tồn và gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ cùng các di sản văn hóa liên quan, bảo đảm hài hòa giữa công tác bảo tồn di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu di tích, khu dân cư và khu vực bảo vệ môi trường. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp trong khu vực lập quy hoạch.

Hình thành điểm du lịch thăm quan về nguồn đặc sắc, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta, kết hợp với thăm quan các khu vực cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống của địa phương. Đưa Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trở thành một trong những điểm đến quan trọng trên tuyến đường kết nối thành phố Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Ba Tơ; tạo lập mối liên kết chặt chẽ giữa các điểm của di tích và với các tuyến du lịch khác của địa phương.

Định hướng lộ trình, các nhóm giải pháp tổng thể về quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương; phát huy giá trị di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch bền vững, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, xác lập cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để quản lý, bảo vệ di tích; thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Xây dựng quy định để quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan di tích và các khu vực liền kề.

Nhiệm vụ lập quy hoạch

9 nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm:

1- Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch;

2- Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích: Nhận diện đặc trưng, yếu tố cấu thành di tích; cấu trúc không gian cảnh quan, các giá trị tiêu biểu khác của di tích; những hạn chế, khó khăn và các vấn đề cần giải quyết trong Quy hoạch;

3- Xác định quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch;

4- Xác định các chỉ tiêu, dự báo phát triển của khu vực lập quy hoạch: Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và dự báo phát triển đô thị, du lịch; dự báo dân số và sức ép gia tăng dân số lên khu vực di tích; về lượng khách du lịch, nhu cầu du lịch và các dịch vụ du lịch; chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật;

5- Xác định nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích;

6- Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật;

7- Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch;

8- Đánh giá hiện trạng, xác định các vấn đề môi trường khu vực quy hoạch;

9- Kế hoạch thực hiện quy hoạch.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024 (3)- Ảnh 5.

Ông Cao Huy giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ông Cao Huy giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 điều động, bổ nhiệm ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025./.