In bài viết

CNH-HĐH cần gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh

(Chinhphu.vn) - Sáng 5/8, tạI Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương, Thành uỷ Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

05/08/2022 15:31
Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao - Ảnh 1.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự Hội thảo.

Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là phải phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết chi phí logistics của Việt Nam hiện nay chiếm 16,8%, cao hơn nhiều so với thế giới là 10,8%. Hạ tầng thiếu đồng bộ làm chi phí logistics tăng. Trong thời gian tới, cần hiện đại hóa quản trị logistics. Trong đó, chú trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành logistics, hợp lý hóa, đồng bộ quy trình và chuỗi cung ứng logistics.

Theo ông Lê Duy Hiệp, trong tái cơ cấu dịch vụ, cần đầu tư vào những dịch vụ Việt Nam đang thiếu. Vận tải nội địa thì doanh nghiệp nội địa đang chiếm thị phần, nhưng vận tải quốc tế của Việt Nam còn đang phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị vận tải quốc tế. Vì vậy, cần chú trọng vào vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không quốc tế.

TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng để phát triển ngành dịch vụ phải chú trọng phát triển hạ tầng. Các địa phương phải lựa chọn ngành dịch vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy các ngành dịch vụ này phát triển.

Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao - Ảnh 3.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu - Ảnh: VGP/Minh Trang

Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết thực tế đã chứng minh phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH-HĐH. Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và tri thức cao.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh các ý kiến tại hội thảo đã khẳng định CNH-HĐH cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ CNH-HĐH là sự nghiệp toàn dân.

Hội thảo cũng khẳng định không đồng nhất CNH với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình CNH-HĐH. Cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistics…

Thời gian tới, cần tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên.

Ngoài ra, cần phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo. Phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

"Các nội dung trao đổi ngày hôm nay sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách CNH-HĐH đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", ông Trần Tuấn Anh nói.

Minh Trang