Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Thời gian vừa qua, sau khi xây dựng kế hoạch triển khai công việc cũng như quy định phân công nhiệm vụ của các thành viên, tuy thời gian không nhiều nhưng Ban Chỉ đạo đã triển khai được một khối lượng công việc rất lớn, đúng kế hoạch.
Trên cơ sở Đề cương Đề án và các báo cáo chuyên đề của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao Tổ biên tập nghiên cứu, rà soát, tổng hợp, chắt lọc xây dựng dự thảo Báo cáo Đề án.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cho ý kiến về những nội dung chủ yếu như: Cơ sở lý luận công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta thời gian qua; đề xuất mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên kinh nghiệm quốc tế và xu thế địa chính trị, nền tảng khoa học công nghệ, đồng thời làm rõ thêm động lực, các phương thức thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một số chủ trương, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thảo luận, góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Đề án, các đại biểu đề xuất Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc xây dựng Đề án một cách toàn diện, sâu sắc, qua đó xác định được định hướng phát triển mới cho giai đoạn tới.
Các đại biểu cũng cho ý kiến tập trung vào các vấn đề quan trọng như cơ sở lý luận, tính thực tiễn tạo ra giá trị mới, đột phá cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các chủ trương, chính sách cụ thể của Dự thảo Đề án; nghiên cứu tác động địa chính trị thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0. Một số ý kiến góp ý về cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng an ninh, nguồn lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Kết luận hội nghị, ông Trần Tuấn Anh ghi nhận ý kiến của các đại biểu và nhấn mạnh chúng ta không nên hiểu một cách hạn hẹp là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng nhất với chuyển đổi số, kinh tế số hay cách mạng công nghiệp 4.0 mà cần phân biệt rõ các nội hàm, vấn đề công nghệ...
Theo ông Trần Tuấn Anh, các khâu liên quan đến chủ trương và chính sách cần cụ thể hóa hơn nhằm giải quyết được đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Nếu không có giải pháp đủ mạnh, quyết tâm chính trị cao, hành động đồng bộ thì sẽ lãng phí nguồn lực, không đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vì vậy, cần có sự phân tích đầy đủ về tồn tại hạn chế, làm rõ vai trò của các chủ thể, từ đó đặt ra các mục tiêu rõ ràng cũng như có giải pháp đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, nhất là những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, nhất là những vấn đề cần kế thừa, phát triển, những quan điểm, giải pháp mới cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tiếp tục hoàn thiện Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra..
Huy Thắng