Tài nguyên chính của Qatar là khí đốt với trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới; dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày. Đây là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
QatarEnergy là công ty dầu khí nhà nước của Qatar, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí trong nước, là một trong những nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã có cuộc hội đàm, hội kiến thành công với Quốc vương, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Qatar với nhiều kết quả nổi bật. Hai bên nhất trí, ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong quan hệ song phương hơn 30 năm qua (1993-2024); thống nhất một số định hướng, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương trong thời gian tới; nhất trí đặt mục tiêu sớm nâng cấp quan hệ Việt Nam-Qatar lên tầm cao mới.
Trong đó, hợp tác năng lượng (gồm năng lượng truyền thống và năng lượng mới) là một trong những nội hàm ưu tiên, đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của Qatar và Việt Nam có nhu cầu hợp tác.
Hai bên thống nhất cần đàm phán hiệp định về nội dung này, giao Bộ Công Thương Việt Nam và Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar trao đổi cụ thể các biện pháp tăng cường hợp tác.
Thủ tướng đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường và duy trì đều đặn cung ứng các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt, hóa chất nhất là LNG để phục vụ bảo đảm cung ứng điện.
Thủ tướng đề nghị Quốc vụ khanh chỉ đạo và Công ty QatarEnergy tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hợp tác dầu khí, năng lượng với các đối tác Việt Nam, đặc biệt với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; cũng như hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang sửa đổi Luật Điện lực, các quy định liên quan theo hướng giảm can thiệp hành chính, tăng sự chủ động và quyền tự quyết của doanh nghiệp để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động, hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước.
Về phần mình, Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi cảm ơn những thông tin rất toàn diện, rõ ràng mà Thủ tướng cung cấp; nhất trí cao và hoàn toàn ủng hộ với những đề nghị hợp tác của Thủ tướng; khẳng định đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, nhất là điện khí, LNG và cho biết đang đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về các dự án hợp tác.
Ông đánh giá Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu châu Á, kéo theo nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao; bày tỏ ủng hộ việc đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác với phía Việt Nam về năng lượng, khí đốt, đồng thời đề xuất đàm phán thỏa thuận về sản xuất, cung ứng phân đạm ure – một sản phẩm chế biến từ dầu khí.
Về các dự án năng lượng mới, Công ty sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư với các đối tác Việt Nam. Quốc vụ khanh cho biết sẽ tới Việt Nam để trao đổi, thúc đẩy về các dự án hợp tác cụ thể; đồng thời bày tỏ mong chờ Luật Điện lực sớm được Quốc hội thông qua trong thời gian tới để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.
Quốc vụ khanh cũng nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hợp tác trong lĩnh vực này cần lâu dài, ổn định với lộ trình, bước đi phù hợp, "không bỏ lỡ cơ hội hợp tác". Thủ tướng đề nghị giá cả theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển.
Hà Văn