Đó là chia sẻ của bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Phó Tổng phụ trách đầu tư Tập đoàn tài chính Sao Mai, với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tiềm năng và điều kiện phát triển vùng Tây Nguyên.
Hiện Tập đoàn tài chính Sao Mai làmột trong những tập đoàn đầu tư đa ngành nghề, chủ đầu tư của Khu công nghiệp Sao Mai Gia Lai (vùng Tây Nguyên).
Cần có những chính sách đặc thù cho khu vực Tây Nguyên
Chia sẻ về tiềm năng đầu tư vào vùng đất Tây Nguyên, bà Phùng Thị Thu Hương cho biết, trước khi đầu tư vào Gia Lai, công ty đã nghiên cứu thị trường cũng như thực trạng của vùng đất này. Lợi thế lớn nhất của Tây Nguyên chính là khí hậu ôn hòa và đất đai trù phú, ít xảy ra bão lũ, hạn hán…
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là khả năng kết nối về giao thông cũng như vị trí liên quan đến các khu vực cảng vì đối với sản xuất hàng hóa lớn, tập trung thì vấn đề vận chuyển logistics chiếm chi phí rất lớn, ở vị trí khu vực này thì không có lợi thế về cảng.
Thứ hai, đối với sự phát triển những khu kinh tế tập trung, khu sản xuất hay khu công nghiệp sẽ liên quan đến vấn đề nhân sự, lao động. Đây cũng là một trong những hạn chế mà Tây Nguyên đang phải đối mặt, vì hầu như ở đây là vùng dân tộc thiểu số, bà con gắn bó với nông trại nhiều.
Tuy nhiên, bà Phùng Thị Thu Hương cũng cho rằng, Tây Nguyên là một "viên ngọc xanh" đầy tiềm năng; là một trong những khu vực có thể phát triển về nông nghiệp cũng như tập trung sản xuất về những sản phẩm mang tính chất có giá trị cao như dược liệu.
"Chúng tôi đã quyết định đầu tư vào một khu công nghiệp chế biến về dược liệu và phát triển hỗ trợ cho nông sản", bà Hương cho biết thêm.
Bà Hương cho rằng, nếu như trong định hướng của Chính phủ xác định vùng Tây Nguyên như là một "lá phổi xanh", một "viên ngoc xanh" về phát triển kinh tế bền vững thì chắc chắn phải có những chính sách, chiến lược rất sát và đặc thù cho khu vực này; cần có sự nghiên cứu từ tập quán của bà con cũng như đất, nước, khí hậu nơi đây để đưa ra một bản đồ chiến lược về sản xuất…
"Bản thân tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là những định hướng chiến lược của Chính phủ để khi các doanh nghiệp triển khai, các dự án tại vùng đất này sẽ khả thi hơn; đi kèm đó là chính sách đặc thù để phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng dành cho những tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông – những vùng đặc biệt cần chính sách riêng nhằm thu hút nhà đầu tư", bà Phùng Thị Thu Hương nói.
Ngoài những vấn đề về đầu tư hạ tầng, kho bãi, logistics… thì Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ và ưu đãi đặc biệt về nguồn vốn, thuê đất… hay những chính sách, tháo gỡ thủ tục đầu tư liên quan đến việc thành lập các khu, cụm công nghiệp; chính sách về hướng nghiệp cho học sinh từ khi kết thúc bậc THPT tại địa phương…
Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư vào vùng đất Tây Nguyên còn vướng nhiều vấn đề giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Hai luật này nếu chưa được đồng bộ thì sẽ còn nhiều khó khăn trong việc cấp thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp…
Bà Phùng Thị Thu Hương cho biết, Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030 đã nêu nhiều giải pháp, quan trọng là các nhóm giải pháp đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nông, lâm, công nghiệp; đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc...
"Tôi cho rằng những giải pháp rất đúng lúc và phù hợp với đặc thù của Tây Nguyên cũng như xu thế phát triển của nền kinh tế", bà Hương nhấn mạnh.
Trước thềm Hội nghị triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW được tổ chức vào cuối tuần này tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, bà Phùng Thị Thu Hương kỳ vọng, Nghị quyết sau khi được triển khai phải được chuyển thể, hiện hữu và áp dụng triệt để, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp cũng như người dân nắm rõ và thực thi.
Khi Chính phủ có chiến lược, chính sách, định hướng phát triển rõ ràng ở khu vực Tây Nguyên thì doanh nghiệp sẽ có cơ sở để vững tin triển khai. Bởi nếu như doanh nghiệp đã có định hướng, tìm kiếm được đối tác thị trường rồi nhưng khu vực trồng, vùng ổn định nhà máy mà không được tạo điều kiện từ phía địa phương thì rất thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Bà Phùng Thị Thu Hương cho rằng, vùng đất Tây Nguyên sẽ có "sức bật" và sự phát triển bền vững khi được định hướng đúng và nếu như Chính phủ, chính quyền địa phương có những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, ngành nghề, nhóm ngành nghề mũi nhọn; có cơ chế thu hút, giữ chân doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Kim Liên