Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh thực vật.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đối với cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay (tăng so với mức hỗ trợ cũ từ 1,33-3,7 lần).
Trong đó: (i) Đối với cây trồng: hỗ trợ theo loại cây trồng và giai đoạn gieo trồng; (ii) Đối với cây lâm nghiệp, hỗ trợ theo diện tích cây rừng, cây lâm nghiệp lấy gỗ và diện tích cây giống ươm trong giai đoạn vườn; (iii) Đối với nuôi trồng thủy sản, lấy tương đồng theo dự thảo Nghị định về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; (iv) Đối với vật nuôi hỗ trợ theo ngày tuổi nuôi và đơn vị tính là con (khác về đơn vị tính và mức hỗ trợ so với dự thảo Nghị định hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật do đặc thù thiệt hại về thiên tai khác so với thiệt hại do dịch bệnh); (v) Đối với sản xuất muối hỗ trợ theo diện tích muối bị thiệt hại.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật như sau:
- Sau gieo trồng từ 1 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.
- Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
- Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.
Diện tích mạ: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
- Giai đoạn cây con (gieo trồng đến 1/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.
- Giai đoạn cây đang phát triển (trên 1/3-2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.
- Giai đoạn cận thu hoạch (trên 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% diện tích, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.
- Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha.
- Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.
- Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường sau 1 năm; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
- Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
Theo dự thảo, diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp mới trồng đến 1/2 chu kỳ khai thác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp trên 1/2 chu kỳ khai thác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.
Vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.
Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30%-70%, hỗ trợ 25.000.000 đồng/ha.
Dự thảo nêu rõ, thủy sản giống hỗ trợ 20.000.000 đồng/100 m3 bể.
Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi cá tra thâm canh hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi cá rô phi thâm canh hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha.
Diện tích nuôi nhuyễn thể hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
Lồng, bè nuôi thủy sản nước ngọt hỗ trợ 10.000.000 đồng/100m3 lồng.
Lồng, bè nuôi hải sản hỗ trợ 20.000.000 đồng/100m3 lồng.
Theo dự thảo, gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 - 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 31.000 - 45.000 đồng/con.
Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 500.000 - 600.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 610.000 - 1.500.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con.
Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 4.100.000 - 12.000.000 đồng/con.
Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.500.000 - 3.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.100.000 - 7.000.000 đồng/con.
Hươu, sao, cừu, dê: Hỗ trợ 1.000.000 - 2.500.000 đồng/con.
Dự thảo nêu rõ, diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.
Diện tích sản xuất muối bị thiệt tại từ 30% – 70% được hỗ trợ 2.500.000 đồng/ha.
Theo dự thảo, trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.
Đối với cơ sở sản xuất bị thiệt hại dưới 1,5 triệu đồng thì không xem xét hỗ trợ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn