Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, việc đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 nhằm mục tiêu thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).
Dự thảo nêu rõ, kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2020 của Quốc hội về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội và Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội đến hết ngày 31/12/2030.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Bộ Tài chính cho biết, đối với quy định về thời hạn miễn thuế SDĐNN, Bộ Tài chính đề xuất 2 giải pháp:
Giải pháp 1: Quy định thời gian miễn thuế SDĐNN là 5 năm (tiếp tục miễn thuế SDĐNN từ 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030).
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau. Do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã chậm lại đáng kể. Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021-2025 của Quốc hội, việc đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% là rất khó khăn.
Trước những diễn biến đa chiều của kinh tế thế giới, với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, hướng tới triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN trong giai đoạn 2026- 2030 là cần thiết nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hậu khủng hoảng, góp phần động viên người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống.
Giải pháp 2: Quy định thời gian miễn thuế SDĐNN là 10 năm (tiếp tục miễn thuế SDĐNN từ 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2035).
Theo Bộ Tài chính phân tích, việc đề xuất miễn thuế trong vòng 10 năm do: Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trước ảnh hưởng của tình hình KT-XH nhiều khó khăn, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định, bất bình đẳng trong xã hội vẫn tồn tại giữa các khu vực thành thị, nông thôn, các vùng và giữa các nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao. Trước những diễn biến đa chiều của kinh tế thế giới, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp trong những năm qua bình quân khoảng 3%/năm nhưng thu nhập bình quân của người nông dân nông thôn vẫn chưa có nhiều cải thiện so với mặt bằng chung của xã hội.
Do đó, thời hạn miễn thuế 10 năm có ý nghĩa về mặt chính trị, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, hỗ trợ người nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, tăng cường năng lực ứng phó với những cú sốc thị trường và quản trị rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm. Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 10 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời hạn miễn thuế 10 năm là khoảng thời gian tương đối dài trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường và chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam giai đoạn sau năm 2030 chưa được định hướng cụ thể. Để đảm bảo mục tiêu phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tình hình KT-XH thực tiễn, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo Giải pháp 1 (thời gian miễn thuế SDĐNN là 5 năm).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh