Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) Phạm Vũ Quốc Bình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã triển khai việc thúc đẩy hoạt động gắn kết giữa GDNN với DN, thị trường lao động nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN, của thị trường lao động, tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động. Tuy nhiên, các hoạt động này còn hạn chế, sự tham gia của các bên liên quan trong GDNN còn chưa thật sự hiệu quả. Do đó, việc dự báo nhu cầu kỹ năng, lao động nhằm định hướng cho công tác đào tạo thực sự là một thách thức.
"Một trong những hoạt động quan trọng trong giải pháp gắn kết chặt chẽ GDNN với DN và thị trường lao động là "Thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở đánh giá, tổng kết sẽ mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn 2026-2030", ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết.
Trong 8 nhóm giải pháp phát triển GDNN trong giai đoạn tới, đẩy mạnh hợp tác với DN là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng được tập trung ưu tiên triển khai sớm. Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích sự tham gia của các DN trong suốt quá trình đào tạo nghề nghiệp. DN không chỉ dừng ở khâu tuyển dụng, mà còn tham gia vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo.
Trên thực tế, mỗi DN có nhiều vị trí việc làm. Nếu muốn người lao động khi học xong có thể thích ứng được công việc ngay thì DN phải tham gia ngay từ đầu, xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu.
Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục GDNN), DN cần tham gia vào quá trình đào tạo, thực hành, thực tập, cử cán bộ đến các cơ sở GDNN để hướng dẫn học viên, giúp họ tiếp cận với thực tiễn...
Cùng với đó, DN tham gia vào quá trình đánh giá trình độ người học. Trong quá trình sử dụng lao động, DN vẫn tiếp tục phản hồi lại với nhà trường và có điều chỉnh đào tạo phù hợp, bởi lẽ công nghệ, mô hình sản xuất, phương thức sản xuất sẽ thay đổi.
"Nếu phát huy được vai trò của DN, chúng ta không phải băn khoăn về vấn đề giải quyết việc làm", ông Đào Trọng Độ khẳng định.
Mới đây, tại Hội nghị "Người sử dụng lao động 2022: Tăng cường công tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp" do VCCI) tổ chức, bà Afsana Rezaie, Phó Giám đốc Chương trình Hợp tác Việt-Đức về đổi mới đào tạo nghề Việt Nam cho rằng, DN nên đóng vao trò tích cực và dẫn dắt trong việc điều chỉnh các chương trình đào tạo, đánh giá trình độ sinh viên, trong việc hướng dẫn sinh viên thông qua cung cấp các chương trình đào tạo tại DN.
Bà Afsana Rezaie khuyến nghị, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những đối thoại xã hội với sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan. Làm sao để những DN địa phương có thể tiếp cận dễ dàng với các cơ sở GDNN. Các cơ sở GDNN "rộng cửa" hơn nữa để tiếp nhận các khuyến nghị từ DN.
Bà Afsana Rezaie đưa ra mô hình ban cố vấn ngành với sự tham gia của DN, ban lãnh đạo các cơ sở GDNN, đại diện sở LĐTB&XH, đại diện sinh viên. Các bên sẽ cùng trao đổi và hợp tác về tất cả các vấn đề liên quan tới phát triển kỹ năng nghề tại địa phương.
"Tại Đức, họ xây dựng 'hệ thống GDNN kép' có sự tham gia của các bên là Chính phủ, LĐLĐ, Hiệp hội DN, Phòng Thương mại và đối tác xã hội. Từ đó, chúng tôi giới thiệu lộ trình học tập và đào tạo kép, trong đó phần lớn là đào tạo tại DN đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có được các kỹ năng cần thiết tại nơi làm việc", bà Afsana Rezaie chia sẻ.
Từ kinh nghiệm này, bà Afsana Rezaie khuyến nghị Việt Nam thành lập hội đồng kỹ năng ở nhiều cấp độ khác nhau, gồm sự tham gia của các cơ quan quốc gia, địa phương, VCCI, Hiệp hội DN, công đoàn, các cơ sở GDNN với vai trò là cơ quan tư vấn. Hệ thống mô hình hội đồng kỹ năng các cấp cùng phối hợp.
Thu Cúc