Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, giai đoạn 2016-2020, tuyển sinh học nghề cả nước đạt trên 11 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học Trung cấp, Cao đẳng, chủ yếu là đối tượng thanh niên. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được chú trọng. Giai đoạn 2011-2020, cả nước có gần 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách, trong đó khoảng 57,3% là thanh niên. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp có việc làm tăng lên, năm 2020 đạt khoảng 85%. Chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam xếp thứ 102/141 quốc gia, đây là mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEAN.
Tuy nhiên, thực tiễn còn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ đạt 1`9% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%.
Tỷ lệ lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, tâm lý thanh niên. Một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động.
Dự báo về nhu cầu lao động thanh niên chưa thực sự sát với nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp. Đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức…
Bên cạnh đó, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%.
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động kỹ năng.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách và kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên; xác định các hệ giá trị và hành trang để thanh niên tự tin, thích nghi, thích ứng trong nghề nghiệp, việc làm; khuyến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng thông qua Diễn đàn sẽ có được bức tranh tổng thể về thực trạng, cơ hội, thách thức đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay và thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những năm qua, Việt Nam đã từng bước tham gia vào phân công lao động quốc tế. Tới đây, xu thế phân công lao động sẽ mạnh mẽ hơn dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, diễn biến ngày càng khó lường của tình hình thế giới, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nền kinh tế… Đây là thách thức và cũng là cơ hội của thanh niên Việt Nam trong đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi, cập nhật liên tục, linh hoạt đối với hệ thống giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, nhất là trang bị các kỹ năng mềm cho lao động thanh niên như làm việc theo nhóm, tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội…
Theo Phó Thủ tướng, công tác giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có tiến bộ vượt bậc, tập trung hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế trong giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với vị trí còn thấp trên thế giới.
Thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp phải tạo sự liên thông hai chiều giữa học văn hóa và học nghề ngay từ bậc phổ thông, bảo đảm bình đẳng cho tất cả những người có nhu cầu học tập nghề nghiệp, văn hóa; tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin, nhằm hình thành và chia sẻ học liệu mở.
Bên cạnh đào tạo nghề nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng việc thúc đẩy các mô hình học tập suốt đời có vai trò rất quan trọng để mỗi cá nhân được phát triển toàn diện, thực sự trở thành một nhân tố hữu ích cho cộng đồng, xã hội, đất nước và hướng tới công dân toàn cầu.
Trân trọng sự tham gia của lực lượng thanh niên vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng chia sẻ: Đại dịch cho thấy ở đâu thích ứng được thì sẽ bớt tổn thất. Và trong cuộc cạnh tranh mới, chúng ta phải thích ứng được sự thay đổi của thời cuộc, dù theo hướng tích cực hay bất lợi.
Với sức trẻ, sự đổi mới, dấn thân, chắc chắn thanh niên Việt Nam sẽ tận dụng được thời cơ từ cách mạng khoa học công nghệ; đồng thời thích ứng, đứng vững trước mọi thay đổi để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng đáng "không chỉ là tương lai của đất nước mà còn là rường cột của nước nhà".
Lê Sơn – Đình Nam