Chương trình đối thoại giữa Tổng Giám đốc và người lao động làm việc tại PVCFC từ ngày 1/1/2022 đến 17/7/2023 giúp cán bộ, công nhân viên (CBCNV) mới được trao đổi, gặp gỡ và chia sẻ với lãnh đạo về những khó khăn liên quan đến công việc, môi trường, điều kiện làm việc và tâm tư, nguyện vọng.
Thông qua chương trình, CBCNV có cơ hội được tìm hiểu thêm về Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, tham quan Nhà máy Đạm Cà Mau và tìm hiểu về Cụm Khí-điện-đạm Cà Mau.
Đặc biệt, chương trình góp phần gia tăng mối quan hệ đồng hành của tập thể đại gia đình PVCFC cùng phấn đấu, nỗ lực thực hiện mục tiêu và kế hoạch đề ra, đưa Phân bón Cà Mau ngày phát triển.
PVCFC khuyến khích nhân viên nghiên cứu, sáng tạo và phát triển ý tưởng. Nhiều năm qua, doanh nghiệp có hơn 1.049 sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất. Đặc biệt, những sáng kiến, giải pháp khoa học công nghệ đã mang lại nhiều hiệu quả đáng tự hào tại Nhà máy Đạm Cà Mau và giúp PVCFC đa dạng hóa sản phẩm, tăng trưởng doanh thu, tiết kiệm sức lao động.
Cùng với niềm tự hào về hành trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển… CBCNV cảm nhận rõ về vai trò của tổ chức công đoàn PVCFC. Nhiều hoạt động đi vào chiều sâu, người lao động tự hào khi công đoàn đã có nhiều đóng góp quan trọng, đồng hành cùng với Ban Tổng Giám đốc xây dựng các kế hoạch sản xuất kinh doanh, triển khai hiệu quả các chiến lược phát triển công ty.
Công đoàn luôn quan tâm, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của CBCNV; chăm lo sức khỏe và tinh thần của người lao động, chú trọng và làm sâu hơn các buổi đối thoại, cải thiện cơ sở vật chất và điều kiện làm việc; triển khai duy trì bình đẳng giới, chính sách, phúc lợi cho đoàn viên; giữ vững môi trường làm việc công bằng, bình đẳng, tạo cơ hội cho người lao động phát triển...
Và trên hết, người lao động được hiểu rõ về những quyền lợi chính đáng và thiết thực được Ban Lãnh đạo công ty quan tâm, chăm lo đời sống để người lao động an tâm và cống hiến, như luôn tạo môi trường và cảnh quan cho khu nhà ở tập thể Khí-điện-đạm Cà Mau; mỗi cá nhân làm việc có định hướng phát triển, lộ trình thăng tiến, các chế độ đãi ngộ về BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm hưu trí; nhiều hoạt động chăm lo cho người thân, con em người lao động…
Chương trình đối thoại càng ý nghĩa với chia sẻ và giải đáp thắc mắc từ Ban Lãnh đạo với người lao động mới, thực tập sinh về điều kiện được trở thành nhân sự chính thức của công ty, công tác nghiên cứu, đào tạo thạc sĩ, phát triển hạng mục chuyên môn, thực hành và phát triển Nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh (COC), đăng ký ứng tuyển chuyên gia…
CBCNV mới và thực tập sinh được lắng nghe chia sẻ về hành trình hình thành và phát triển của Cụm Khí-điện-đạm Cà Mau, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau.
Hơn 20 năm qua, Cụm Khí-điện-đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định, không chỉ mang lại hiệu quả đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, xã hội của cả khu vực Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
Phân bón Cà Mau góp phần quan trọng trong ngành dầu khí, ngành nông nghiệp với nhiều mốc son tự hào.
Đầu năm 2008, Petrovietnam tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi và mở rộng bản quyền cho dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngày 9/3/2011, Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (trực thuộc Petrovietnam) được thành lập. PVCFC là doanh nghiệp có chức năng, ngành nghề kinh doanh chính về sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón, hóa chất dầu khí.
Phân bón Cà Mau hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với sứ mệnh phục vụ hàng triệu nông dân bằng những sản phẩm phân bón chất lượng cao, các giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng, phù hợp với nhiều loại cây trồng và vùng đất.
Nhà máy Đạm Cà Mau luôn vận hành an toàn, ổn định đạt công suất kỳ vọng, sản phẩm chất lượng, tiêu thụ tối đa. Đặc biệt năm 2020, Nhà máy Đạm Cà Mau duy trì ở mức 110% công suất và đạt kỷ lục sản lượng sản xuất ure cán mốc 934.770 tấn, về đích trước 51 ngày.
Suốt 12 năm qua, Phân bón Cà Mau cung ứng cho thị trường trên 10 triệu tấn phân bón cho nông dân cả nước, đặc biệt sản lượng chiếm hơn 60% thị phần Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài cung ứng trong nước, công ty còn mở rộng ra nước ngoài. Thương hiệu hiện diện ở nhiều quốc gia từ châu Á sang châu Âu.
Phân bón Cà Mau hiện nắm giữ 30% thị phần Campuchia, có mặt ở các nước tiêu thụ lớn: Ấn Độ, Brazil, Mỹ... và các nước Đông Nam Á. Năm 2022, Phân bón Cà Mau xuất khẩu đạt mức sản lượng kỷ lục trên 400.000 tấn sản urê, góp phần quan trọng vào thành tích đạt kim ngạch một tỷ USD xuất khẩu của toàn ngành.
Năm 2022, PVCFC đạt tổng doanh thu hợp nhất 16.241 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên PVCFC vượt chỉ tiêu doanh thu trên 16.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 4.586 tỷ đồng - mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của PVCFC.
PVCFC còn đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp đóng góp hơn 400 tỷ đồng xây 1.485 căn nhà đại đoàn kết, 56 công trình trường học, 13 công trình y tế, 22 nhịp cầu... Nhiều dự án giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường... được thực hiện trên cả nước.
Minh Thi