Người nước ngoài làm việc trong trang trại tại Pocheon, Hàn Quốc
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài trong các lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo sẽ phân bổ thêm hơn 22.000 lao động theo mùa vào nửa cuối năm 2025, nâng tổng số lao động được phân bổ trong năm lên 95.700 người, tăng 41% so với năm 2024.
Báo cáo của Cơ quan thông tin việc làm Hàn Quốc (KEIS) hồi tháng 3 cho thấy, số lao động dự kiến tăng 312.000 người ở giai đoạn 2023-2033, thấp hơn nhiều so với mức gần 3,2 triệu người được ghi nhận ở thập kỷ trước, trong bối cảnh tỉ lệ sinh của quốc gia này vẫn ở mức thấp.
Dự kiến, quy mô lực lượng lao động của Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và bắt đầu giảm dần trong nhiều năm sau đó. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 1,9%/năm, quốc gia này cần nguồn lao động bổ sung lên đến 820.000 người vào cuối năm 2033. Viễn cảnh này đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng đối với Hàn Quốc.
Tình trạng thiếu hụt lao động sẽ trở nên trầm trọng hơn tại một số ngành công nghiệp. Theo báo cáo, ngành sản xuất của Hàn Quốc dự kiến thiếu 123.000 lao động vào năm 2033, trong khi con số này đối với lĩnh vực phúc lợi xã hội và bán buôn, bán lẻ lần lượt là 110.000 và 83.000 người.
Đáng chú ý, thiếu hụt lao động không chỉ là vấn đề đối với các ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ kỹ năng tương đối thấp. Đến năm 2033, Hàn Quốc cũng sẽ cần thêm 192.000 lao động trình độ chuyên gia và 142.000 nhân viên văn phòng.
Tình trạng thiếu hụt lao động sẽ ít rõ rệt hơn trong các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô và giáo dục. Nguyên nhân là ngành công nghiệp xe điện mới nổi cần ít lao động hơn so với ngành công nghiệp ô tô truyền thống, trong khi sự suy giảm dân số ở độ tuổi sinh viên sẽ khiến nhu cầu về giáo viên giảm.
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động dự kiến, các nhà nghiên cứu kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc đưa ra những phản ứng mang tính hệ thống và chủ động, trong đó có thể cân nhắc thu hút lao động nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu đối với nguồn lao động này dự kiến sẽ tăng, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất và nhà hàng, nếu xét theo các mô hình và xu hướng những năm gần đây.
Thị thực E-9 được cấp cho các lao động không có tay nghề cao đến từ nhiều quốc gia đang phát triển, làm việc chủ yếu trong các ngành nghề như sản xuất, nông nghiệp, thủy sản và xây dựng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ 21,9% trong tổng hạn ngạch 130.000 lao động E-9 năm nay được lấp đầy. Trong số 98.000 vị trí dành riêng cho từng ngành cụ thể, tỉ lệ đạt mới chỉ ở mức 29,1%.
Sự suy giảm rõ rệt nhất diễn ra trong ngành sản xuất, lĩnh vực từng chiếm phần lớn lượng lao động E-9, khi chỉ có 21.443 người nhập cảnh, thấp hơn 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ngành thủy sản với mức giảm 21,7% và xây dựng với mức giảm nghiêm trọng tới 33,1%.
Dù vậy, không phải mọi lĩnh vực đều đi xuống. Ngành nông nghiệp và chăn nuôi ghi nhận mức tăng 19,3% về số lượng lao động nhập cảnh, trong khi khu vực dịch vụ tăng 27,5%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm toàn diện của các ngành còn lại.
Giới chức Hàn Quốc thừa nhận khả năng không đạt được hạn ngạch tiếp nhận lao động E-9 trong năm nay. Một quan chức MOEL cho biết: "Tình hình suy thoái kinh tế đã làm giảm rõ rệt nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Hạn ngạch chỉ là giới hạn tối đa, không bảo đảm sẽ tiếp nhận được đủ số người đó".
An Bình/Phòng Quốc tế-Đối ngoại