Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thiếu hụt lao động đang là thách thức nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới khi già hóa dân số diễn ra nhanh hơn dự kiến
Các báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra rằng thiếu hụt lao động có kỹ năng đang trở thành thách thức nghiêm trọng ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Tình trạng này không chỉ gây áp lực ngắn hạn lên thị trường lao động, mà còn đe dọa đến năng suất, đổi mới và tăng trưởng dài hạn.
Theo OECD, do tỉ lệ sinh ngày càng giảm, đến năm 2060, số người trong độ tuổi lao động tại 38 quốc gia thành viên của tổ chức này sẽ giảm 8% so với hiện nay. Tại 1/4 số nước thành viên OECD, mức giảm sẽ là hơn 30%.
Với sự gia tăng của tuổi thọ, tỉ lệ giữa những người đã qua độ tuổi lao động so với những người từ 20-64 tuổi trong OECD có thể sẽ tăng vọt lên 52% vào năm 2060 từ mức 31% vào năm 2023. Tại Italy, Nhật Bản, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, tỉ lệ này được dự báo sẽ vượt mức 75%. Sản lượng kinh tế bình quân đầu người - một yếu tố chính quyết định thu nhập - sẽ tăng trưởng chậm hơn, vì lực lượng lao động sẽ chiếm một tỉ lệ nhỏ hơn trong tổng dân số.
Một số chính phủ trong OECD đã đưa ra các chính sách khuyến khích sinh đẻ, bao gồm cả việc giảm thuế cho các bà mẹ như ở Hungary, với mức giảm thuế tăng theo số con. Tuy nhiên, những ưu đãi này khó có thể giải quyết tất cả vấn đề và OECD cho rằng đã quá muộn để các chương trình khuyến khích sinh đẻ có thể tác động tích cực đến tăng trưởng thu nhập trong 25 năm tới.
Nhiều quốc gia kỳ vọng AI có thể góp phần bù đắp một phần thiếu hụt lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực cần tự động hóa. Tuy nhiên, OECD cho rằng cần thận trọng với kỳ vọng này, vì hiệu quả thực sự còn phụ thuộc vào kỹ năng, chính sách và cách triển khai công nghệ.
Trong khi nhiều quốc gia đang chật vật ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già hóa, một giải pháp ngày càng được xem là thiết thực hơn cả: Mở rộng các kênh di cư hợp pháp để thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài.
Từ Italy đến Hàn Quốc, làn sóng điều chỉnh chính sách thị thực và phân bổ lao động nhập cư đang diễn ra mạnh mẽ, nhằm đối phó với khoảng trống ngày một lớn trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng, chăm sóc y tế hay sản xuất.
Ngày 1/7, Chính phủ Italy đã chấp thuận cấp gần 500.000 thị thực cho người lao động ngoài Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 3 năm tới.
Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết tổng cộng 497.550 lao động sẽ được phép đến làm việc tại Italy trong giai đoạn 2026-2028; riêng trong năm 2026 là khoảng 165.000 người. Đáng chú ý, số lượng thị thực lớn nhất trong 3 năm tới, vào khoảng 267.000, sẽ được cấp cho những công việc thời vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Con số này tăng so với hạn ngạch 450.000 ban đầu mà chính phủ đương nhiệm đặt ra cho giai đoạn 2023-2025. Hạn ngạch đó cũng đã tăng vọt so với mức 75.700 cho năm 2022 và khoảng 70.000 cho năm 2021.
Thủ tướng Meloni một mặt tìm cách giảm số lượng người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Italy, nhưng mặt khác đang nỗ lực thúc đẩy các con đường di cư hợp pháp để thu hút người lao động ngoài EU nhằm giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động tại quốc gia đang già hóa này.
Liên đoàn Nông dân Italy Coldiretti hoan nghênh kế hoạch thị thực mới là "bước tiến quan trọng để bảo đảm có đủ lao động trên các cánh đồng và cùng với đó là sản xuất lương thực".
Tuy nhiên, bà Maria Grazia Gabrielli, quan chức cấp cao tại Tổng liên đoàn lao động Italy (CGIL) cho rằng hạn ngạch mới không giải quyết được động lực di cư và nhu cầu lao động khi số lượng đơn đăng ký xin thị thực thấp hơn nhiều so với hạn ngạch hiện có.
Theo bà Gabrielli, chính sách của Italy đối với lao động nước ngoài vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, khi các băng nhóm tội phạm cũng lợi dụng cả những kẽ hở đó. Do vậy, bà cho rằng thay đổi về mặt cấu trúc mới là "chìa khóa" để giải bài toán thiếu hụt lao động hiện nay.
An Bình/Phòng Quốc tế-Đối ngoại
LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI: Những ngành nghề đang thiếu tại các nước (Kỳ 2)