Cảnh báo lũ có thể gây ngập úng ở vùng hạ lưu sông Bôi và các vùng thấp ven sông, tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân, phá hủy các công trình dân sinh, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất. Người dân cần theo dõi và có biện pháp ứng phó.
Triển khai quyết liệt công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tại Công điện số 24/CĐ-UBND, ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3; chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh.
Công điện nêu rõ: Bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ. Dự báo trong những ngày tới sẽ tiếp tục có mưa kéo dài nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng thấp trũng. Tỉnh Hòa Bình nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Chú trọng khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới. Chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn.
Đặc biệt, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; chỉ được đưa người dân trở về nơi ở cũ khi bảo đảm các điều kiện an toàn. Cùng với đó, chủ động bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai; bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống; tăng cường công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai.
Đối với Sở Công Thương, yêu cầu khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa thủy điện; phối hợp với Công ty Điện lực Hòa Bình rà soát, đánh giá mức độ an toàn và khôi phục nhanh hệ thống điện bị sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, triển khai các biện pháp bình ổn giá, chống đầu cơ, tích trữ hàng hóa; bảo đảm cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho đời sống của nhân dân.
Đối với Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; chủ động khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở; rà soát, đánh giá an toàn cho các cầu, cầu treo dân sinh, các khu vực ngầm đặc biệt tại các khu vực có tình hình thủy văn, địa chất phức tạp, biên độ lũ biến đổi nhanh. Đặc biệt, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, bảo đảm giao thông trong thời gian nhanh nhất...