Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Do mực nước sông Cầu tiếp tục dâng cao trong nhiều giờ qua nên nhiều xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã bị ngập sâu.
Tính đến 7h ngày 9/9, có 17 xã, phường của thành phố nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập. Trong đó có 81 xóm, tổ dân phố bị ngập (20 xóm, tổ dân phố bị cô lập).
Trước tình hình nước lũ dâng cao từ đêm ngày 8 đến sáng 9/9, gây ngập sâu tại một số nơi ở các TP. Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công và các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình… Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó với thiên tai.
Cụ thể, tối 8/9, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự TP. Thái Nguyên và Dân quân phường Đồng Bẩm mang theo áo phao, thuyền, xuồng, nhanh chóng giúp nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Công tác cứu hộ được thực hiện xuyên đêm. Đến rạng sáng nay (9/9), cơ bản các hộ dân đã được di chuyển ra khỏi khu vực ngập úng.
Ngoài ra, trong hai ngày qua, lực lượng công an, quân đội đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương sử dụng ca nô, xuồng máy… đi sâu vào các ngõ, đến từng gia đình để hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, đưa những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em ra khỏi khu vực ngập lụt…
Thành phố Yên Bái trắng đêm hỗ trợ người dân vùng ngập lụt
Nước sông Hồng đã trên báo động 3, tràn bờ, gây ngập nhiều tuyến phố của TP. Yên Bái và vẫn đang tiếp tục dâng cao trong khi mưa không ngớt. Ngay trong đêm (8/9), hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang túc trực 24/24, nỗ lực hỗ trợ người dân chuyển đồ đạc đến nơi cao và di dời người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Trong đêm 8/9, các lực lượng hỗ trợ chạy đua với thời gian để giúp dân tránh ngập. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn thành phố Yên Bái cũng đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết, rà soát, nắm bắt các hộ có người già, trẻ nhỏ, người đau ốm cần di chuyển để di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; thực hiện chế độ trực 24/24 theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cho biết, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trong 24 giờ qua (từ 19h ngày 7/9 đến 17h ngày 8/9), các khu vực trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa đo được từ 90 mm đến 150 mm.
Trên địa bàn các huyện đã xảy ra ngập úng vùng trũng thấp, ven sông suối, lũ cục bộ trên các suối nhỏ gây thiệt hại về nhà ở và sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Mưa lớn làm nước lũ dâng cao khiến anh Nguyễn Văn Nhúc (sinh năm 1994) và con gái Nguyễn Bảo Trang (5 tuổi) người ở thôn Cầu Cao, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên khi đi xe máy đến cầu tràn thôn Cầu Treo, xã Yên Thuận thì bị nước lũ cuốn trôi, hiện tại chưa tìm thấy các nạn nhân.
Trước đó, bão số 3 cũng làm 141 nhà bị tốc mái, taluy sạt lở vào nhà; hơn 1.239 ha lúa, hơn 314 ha ngô, rau màu bị ảnh hưởng; hơn 165 ha cây lâm nghiệp, 1.993 cây xanh, 26 cột điện 0,4 Kv bị gẫy đổ và 2 tuyến đường điện bị hư hỏng…
Ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công điện số 6608/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang về việc mở cửa xả đáy thứ 2 hồ thủy điện Tuyên Quang.
Trước đó, cũng trong ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình mở cửa xả đáy thứ 2 hồ thuỷ điện Hoà Bình vào lúc 14h và Giám đốc Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy cũng vào lúc 14h. Như vậy, trong ngày 8/9, hồ thủy điện Tuyên Quang đã mở 2 cửa xả.
Cùng ngày 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành văn bản số 6609/BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3, từ đêm 8/9 đến rạng sáng 9/9, các khu vực trong tỉnh Cao Bằng có mưa to đến rất to, nhiều sông suối trên địa bàn tỉnh nước dâng cao gây ngập lụt nhà ở và hoa màu của người dân, ách tắc một số tuyến giao thông trên địa bàn.
Lúc 19h ngày 8/9, mực nước trên sông Gâm tại trạm Bảo Lạc ở mức 197,78, trên mức báo động 2 là 0,78 m và đang lên chậm; mực nước trên sông Bằng tại trạm Bằng Giang ở mức 180,98 trên mức báo động 1 là 0,48 m và đang lên chậm.
Ngay trong đêm 8/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường trên địa bàn Thành phố đã huy động lực lượng "4 tại chỗ", kịp thời giúp người dân sơ tán, di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Ngập úng có thể gây tác động đến các hoạt động ở các khu dân cư, tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; gây cản trở đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Người dân ven các sông suối cần chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hiện nay, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai các phương án cứu hộ giúp người dân tại các vùng bị ngập lụt.
BT