Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, với mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Vậy công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương sẽ được tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phương: Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu: "Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh".
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022, làm cơ sở để UBND tỉnh tiến hành lập, trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch, phục vụ mục tiêu thành lập thành phố trực thuộc trung ương. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch này đã một lần nữa khẳng định toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được quy hoạch và đầu tư xây dựng như là 1 chỉnh thể đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển về lâu dài của tỉnh nhà.
Theo đó, để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo mục tiêu trên, chúng tôi đã xác định các nội dung trọng tâm liên quan đến công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Đó là nghiên cứu mô hình phát triển, cấu trúc không gian; phân bố hệ thống đô thị gắn với tổ chức đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế thừa các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung thành phố Huế... Tổ chức không gian cho các chức năng mang tính đặc thù của Thừa Thiên Huế như trung tâm về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á; Trung tâm về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các khu vực bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đầm phá ven biển.
Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Nghiên cứu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường của sông Hương gắn với trục cảnh quan trung tâm thành phố Huế; bảo vệ các vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Lập An; khai thác hiệu quả các khu vực ven biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu từ Phong Điền tới Phú Lộc; bảo tồn hiệu quả vườn Quốc gia Bạch Mã, khu vực đèo Hải Vân gắn với phát triển du lịch bền vững.
Tăng cường liên kết về giao thông kết nối với quốc tế, các đô thị lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng.
Đề xuất quy định quản lý, hướng dẫn kiểm soát phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng cụ thể và linh hoạt để từng bước làm sâu sắc hơn hình ảnh quy hoạch kiến trúc đô thị gắn với không gian đặc trưng của đô thị Thừa Thiên Huế.
Song song với việc tổ chức lập quy hoạch, trong thời gian vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư xây dựng thành phố Huế dần đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I; tập trung xây dựng Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị Chân Mây, nâng cấp và từng bước hình thành các đô thị mới Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Thanh Hà, Phú Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại V.
Điểm nhấn trong phát triển hạ tầng là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm như Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Trong thời gian đến, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư các tuyến kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm tạo động lực, có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội như tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía Tây phá Tam Giang - cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa); dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng, cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Vành đai 3...
Đối với Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được xem là động lực phát triển kinh tế phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Do vậy, tỉnh đã hết sức chú trọng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư vào đây. Trong thời gian đến, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc triển khai và hoàn thành các dự án trọng điểm, động lực như: Laguna Lăng Cô giai đoạn 2 (có Casino), giai đoạn 3; Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn; thúc đẩy dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây…; hoàn thành và đưa vào khai thác bến số 2, bến số 3 - cảng Chân Mây; đầu tư xây dựng bến số 4, 5, 6 và các bến cảng khác theo quy hoạch; khu dịch vụ logistics cảng Chân Mây; hoàn thành dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp - Phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây...
Việc triển khai quy hoạch cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị loại I có khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phương: Từ những kết quả đã đạt được cho đến nay trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chúng tôi luôn nhận thức một cách rất thẳng thắn về những khó khăn, thách thức và sẽ quyết tâm đối mặt. Đó là nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ; kinh tế biển, kinh tế số, các ngành công nghiệp văn hóa phát triển chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn mạnh; chưa liên kết phát triển được với các tỉnh bạn...
Mật độ dân số thấp, quy mô nhỏ, tăng trưởng chậm, tỷ lệ xuất cư lớn, tỷ lệ lao động lành nghề chưa cao, chưa thu hút; cơ sở hạ tầng còn yếu, thiếu kết nối Đông – Tây, liên kết không gian đô thị - nông thôn còn nhiều vấn đề bất cập; vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn hạn chế, vẫn bị phụ thuộc một phần vào trung ương. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên chịu thiên tai và các thời tiết cực đoan; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển vẫn là vấn đề nhức nhối, chi phí phục hồi, trùng tu các công trình di tích rất lớn, tuy nhiên chưa phát huy, khai thác hết tiềm năng. Vấn đề về nề nếp văn hóa đôi khi lại là rào cản tư duy kinh tế, chậm đổi mới...
Trên cơ sở đó, trong thời gian đến tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phấn đấu đạt được các mục tiêu, các chỉ tiêu đảm bảo yêu cầu thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện phân bổ nguồn lực đầu tư cho các dự án có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); làm việc với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế định hướng, ưu tiên thu hút một số dự án ODA quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao.
Huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.
Xin ông chia sẻ về mô hình, cấu trúc đô thị cũng như không gian đô thị trực thuộc Trung ương mà địa phương hướng đến?
Ông Nguyễn Văn Phương: Với định hướng phát triển và quản lý đô thị, hành chính phù hợp với quy định tại các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, về phân loại đơn vị hành chính và để phù hợp với đặc thù của đô thị Huế, phát huy các lợi thế và tiềm năng của các địa phương; Thừa Thiên Huế định hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai được xác định theo dạng mô hình "chùm đô thị, đa trung tâm", vươn ra biển, phát huy vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng: Tuyến trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung và dựa trên nền tảng của hệ thống di tích Cố đô Huế, các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể, các cơ sở văn hóa tâm linh phật giáo và các thắng cảnh thiên nhiên sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang..., là điểm đến hấp dẫn di sản văn hóa thế giới.
Và thành phố Thừa Thiên Huế sẽ là một trung tâm giao lưu văn hóa lớn trên hành lang giao lưu văn hóa Đông - Tây, Bắc - Nam, Nam Á kết nối văn hóa - du lịch Thừa Thiên Huế với các cụm di sản thế giới khác trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trong khu vực, ASEAN và Đông Á.
Đến năm 2025, mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương dự kiến với 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Trong đó, thành phố Huế chia làm 2 quận, là khu vực lõi di sản có phạm vi phía Bắc của sông Hương, lấy kinh thành Huế làm trung tâm và các khu vực phụ cận đi kèm để tiếp tục bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa của nhân loại; và là trung tâm hành chính, kinh tế, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng, đầu mối giao thương quốc tế của khu vực Duyên hải miền Trung, hành lang kinh tế Đông – Tây thuộc phía bờ Nam sông Hương. Đồng thời nâng cấp thị xã Hương Thủy lên quận, huyện Phong Điền lên thị xã và nhập huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc.
Định hướng phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, không giống như các đô thị khác tại Việt Nam, Thừa Thiên Huế sẽ không khuyến khích phát triển với mật độ dân cư cao, đô thị nén với những công trình xây dựng bề thế, không quá tập trung "nóng" vào khu, cụm công nghiệp và ngành công nghiệp; mà ngược lại, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng hài hoà, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm, phi tập trung dân cư, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ...
Để tăng tốc, bứt phá thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025; đặc biệt đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xin ông cho biết trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì?
Ông Nguyễn Văn Phương: Năm 2023 là năm rất quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây cũng là năm mà tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện các hồ sơ trình các Bộ ban ngành, Chính phủ. Chính vì vậy, Tỉnh sẽ dốc toàn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, bao gồm phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế.
Thứ hai, tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Triển khai hiệu quả Kế hoạch 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh uỷ (khoá XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên cho các công trình hạ tầng trọng điểm, cấp thiết, có tính lan toả, động lực.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương. Tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; đồng thời, tích cực giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư khu vực kinh tế tư nhân và huy động vốn trong dân thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành các vùng có quỹ đất tập trung có quy mô lớn làm cơ sở cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư.
Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Tranh thủ tối đa và quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình trọng điểm, quy mô lớn. Thực hiện tốt việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả quy hoạch; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hoàn thiện hạ tầng đô thị thành phố Huế; ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Phong Điền, nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà và Hương Thuỷ theo định hướng phát triển của Tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thế Phong thực hiện