Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, định hướng để tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị đề ra.
Với việc tổ chức lập quy hoạch, Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay; đảm bảo sự phát triển của tỉnh trong tương lai có hiệu quả và bền vững.
Sau khi nghe địa phương và đại diện đơn vị tư vấn trình bày báo cáo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20225, nhiều chuyên gia đã góp ý về dự thảo quy hoạch, chia sẻ kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch.
Nêu ý kiến tại hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang chạy dọc bờ biển, đó là di sản mà cả Đông Nam Á muốn có. Do vậy, quy hoạch tỉnh cần làm rõ, khai thác thế mạnh này nhiều hơn nữa hệ thống đầm phá này, hướng đô thị Huế về phía biển và xây dựng đô thị vệ tinh xung quanh sân bay, khai thác tốt hơn hệ thống giao thông quốc gia; phát triển đô thị Chân Mây-Lăng Cô kết nối với Đà Nẵng…
"Trên tinh thần là đô thị di sản, tỉnh phải có giải pháp cụ thể hóa các yếu tố văn hóa, sinh thái, trên cơ sở đó xây dựng Huế trở thành biểu tượng để cả nước, thậm chí thế giới hướng đến", KTS Trần Ngọc Chính đề nghị.
Còn PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch, phát triển đô thị Huế phải dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch. Theo đó, chuyên gia khuyến nghị hình thành nên một thành phố du lịch đẳng cấp cao và là thành phố, như một trung tâm giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, các ý kiến và tham luận tại hội thảo đã nhận diện được một số khó khăn, hạn chế và các lợi thế so sánh để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong kỳ quy hoạch tới.
Về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế; mở rộng không gian phát triển trên cơ sở cân đối các tiềm năng, dư địa để tạo tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, chú trọng nghiên cứu quy hoạch phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, khu du lịch, các dự án đầu tư lớn, có tính đột phá,…
Việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện đảm bảo phương án gắn với quy hoạch hệ thống thoát lũ, quy hoạch thủy lợi và kịch bản có liên quan đến biến đổi khí hậu… Ngoài ra, quy hoạch tỉnh cùng với các quy hoạch khác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng, thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu đơn vị tư vấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban, ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học… tích cực hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Tại hội thảo, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức lấy ý kiến các đại biểu về phương án mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, phương án thành lập các đơn vị hành chính được đa số các đại biểu đồng tình là: Thành lập 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện; tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Huế.
Thế Phong