Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho biết, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc và các hoá chất liên quan khử khuẩn nguồn nước, để hỗ trợ người dân và các cơ sở y tế có nước sinh hoạt thiết yếu sau bão lũ, ngập lụt…
Trong đó, Chloramine B là hóa chất dùng để khử trùng nguồn nước trong điều kiện không có nước sạch, đặc biệt là ở những vùng lũ lụt để ngăn chặn vi khuẩn phát triển gây bệnh.
Hiện tại, Bộ cũng đang tích cực vận động các tổ chức UNICEF và WHO hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 ở nước ta.
Theo đó, Bộ đã đề nghị Văn phòng của tổ chức WHO tại Việt Nam hỗ trợ một số vật tư, hóa chất cho các tỉnh chịu thiệt hại: 1.000.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs 67mg; 500 túi đựng nước phòng chống bão lụt.
Tổ chức WHO cam kết sẽ chuyển đến các tỉnh sớm nhất 3 ngày sau khi có văn bản đề xuất của Bộ Y tế (ngày 11/9).
Tổ chức UNICEF cũng sẽ chuyển 80.000 viên khử khuẩn nước hỗ trợ Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên.
Cũng theo Bộ Y tế, từ nguồn phòng chống thiên tai của Bộ Y tế còn 21 tấn hóa chất khử khuẩn Chloramin B (hạn sử dụng đến 2026), quy trình xuất cấp cần văn bản đề xuất của Sở Y tế các tỉnh và Bộ Y tế ra quyết định xuất cấp.
Từ nguồn dự trữ quốc gia do Bộ Y tế quản lý có 3 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs (hạn sử dụng đến 5/2025), quy trình xuất cấp cần văn bản đề xuất của UBND tỉnh để Bộ Y tế tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Các cơ sở y tế sẵn sàng tập trung nguồn lực
Để đáp ứng y tế do cơn bão số 3 gây ra, các bệnh viện tuyến Trung ương đã tập trung mọi nguồn lực để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh và nhân viên y tế, sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp cấp cứu hàng loạt do thảm họa, thiên tai.
Đồng thời, thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ chuyên môn khi có yêu cầu từ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão.
Đối với địa phương, thông qua dự báo sức ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngành y tế các tỉnh, thành bị ảnh hưởng cũng đã thành lập các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới, chỉ đạo đảm bảo công tác y tế, phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong mưa bão, lên phương án cụ thể, đảm bảo an toàn các cơ sở y tế, người bệnh, xử lý môi trường sau bão, chuẩn bị sẵn thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng phục vụ cấp cứu...
Để tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ sau cơn bão số 3, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...
Tập trung phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước, tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.
UNICEF cứu trợ khẩn cấp
UNICEF đã khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai để đảm bảo cung cấp nước uống cho 800 người.
Trong những ngày tới, UNICEF sẽ cung cấp viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng cho chính quyền địa phương để phân phát đến các hộ gia đình, trường học và cơ sở y tế tại các tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
"UNICEF cam kết cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và bền vững cho Chính phủ Việt Nam để đảm bảo trẻ em và các gia đình tiếp cận các dịch vụ thiết yếu," bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết.
Hiện, tổ chức này bắt đầu cấp phát những hàng hóa cứu trợ và đang huy động mọi nguồn lực để giải quyết những nhu cầu cấp bách trên diện rộng.
Đồng thời, UNICEF đang huy động mọi nguồn lực để đảm bảo các nguồn viện trợ khẩn cấp và kịp thời.
Hiền Minh