Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo nguồn tin từ Báo Hà Giang, do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa vừa, mưa to đến rất to, gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Ước tổng thiệt hại do thiên tai khoảng 80,5 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang cho thấy, đợt mưa lớn kèm theo lũ đã khiến 1 cháu bé 4 tuổi tử vong do lũ cuốn trôi trên đường đến lớp; 1 cháu bé 6 tháng tuổi mất tích bị vùi lấp do sạt lở (hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm do khối lượng sạt lở lớn và khu vực vẫn tiếp tục có nguy cơ sạt lở thêm); 1 cháu bé 14 tuổi bị thương do sạt lở.
Thiệt hại về nhà ở là 1.196 nhà, trong đó có 82 nhà phải di dời khẩn cấp; 16 nhà bị vùi lấp hoàn toàn; 308 nhà bị sạt lở; 8 nhà bị lũ cuốn trôi; 664 nhà ngập úng. Diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại hơn 1.600 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại hơn 55 ha và 5.236 con gia cầm bị chết do nước lũ.
Nhiều tuyến kênh mương thủy lợi, các tuyến đường giao thông ở hầu hết các huyện, thành phố đều bị sạt lở, hư hỏng. Ngoài ra, một số công trình phúc lợi, trường học, cột điện cũng bị gãy đổ, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân.
Huyện Quang Bình là địa phương thiệt hại nặng nhất, ngoài các vùng có nguy cơ sạt lở rất cao, tuyến đường vào xã Nà Khương đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông, mọi phương tiện không thể đi lại được. Hiện việc tiếp cận địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, toàn xã bị chia cắt, không thể di chuyển bằng các phương tiện giao thông.
Trước tình hình trên, huyện đã khẩn trương chỉ đạo, tiến hành ngay công tác di dời 72 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, trong đó có 33 hộ dân tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành; 38 hộ dân thôn Tiến Yên, xã Bằng Lang và 1 hộ dân thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên.
Trước mắt, các xã đã bố trí, sắp xếp cho bà con ở tạm các điểm trường, nhà văn hóa hoặc đến nhà người thân. Từ huyện đến xã và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ những suất ăn miễn phí, đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết cho các gia đình...
Báo điện tử Đảng Cộng sản đưa tin, do có mưa lớn kéo dài trên diện rộng thời gian qua, hiện trên một số khu vực trên địa bàn tỉnh Hà Giang độ bão hòa nước của đất đã đạt mức trên 85%. Dự báo trong trong thời gian tới các khu vực trong tỉnh có mưa với lượng tích lũy phổ biến phổ biến từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm có nguy cơ sạt lở đất, đá rất cao.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, ngập úng và khắc phục hậu quả do mưa lớn của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng xuống tất cả các thôn, bản để rà soát, kiểm tra các vị trí có nguy cơ sạt lở đất và ngập úng để cảnh báo, khuyến cáo cho người dân không được chủ quan; tổ chức di dời, sơ tán đối với những hộ nằm trong khu vực mất an toàn.
Đồng thời, tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân vùng bị thiên tai; nhất là các hộ có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, hộ ở vùng ngập sâu, sạt lở chia cắt, đảm bảo không để người dân bị đói, rét. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Các huyện, thành phố bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Xây dựng phương án bố trí lại nơi ở cho các hộ bị mất nhà ở, phải di dời.
Ngoài ra, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người. Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn giao các Sở, ngành tiếp tục thực hiện tổ chức kiểm tra, giám sát việc điều tiết lũ tại các hồ chứa thủy điện bảo đảm đúng quy định và quy trình vận hành liên hồ chứa; kiểm tra các hồ chứa thủy lợi để thực hiện kịp thời các giải pháp đảm bảo an toàn; chủ động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân thực hiện nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Diệu Anh (tổng hợp)