Đó là nhận định được lãnh đạo các tỉnh nêu trong dịp tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (2002-2022).
Lào Cai: Tín dụng chính sách mang nhiều giá trị
Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78, với nhiều ưu đãi (lãi suất, thời hạn cho vay, không phải thế chấp tài sản…), vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 chỉ còn 5,31% (theo tiêu chí cũ).
Vốn tín dụng ưu đãi góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.
Đặc biệt, nguồn vốn này đã tác động rất lớn đến người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giúp họ thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật; hạn chế được tình trạng cho vay lãi nặng ở khu vực nông thôn.
Thực hiện Nghị định 78 trong 20 năm qua, từ 2 chương trình với tổng dư nợ 162 tỷ đồng, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã triển khai cho vay 23 chương trình.
Doanh số cho vay đến nay đạt 10.998 tỷ đồng với 453.000 lượt hộ nghèo được vay vốn. Tổng dư nợ đến 31/8/2022 đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 3.473 tỷ đồng (16,3 lần) so với năm 2003 với gần 85.000 khách hàng còn dư nợ…
Vốn tín dụng chính sách giúp 112.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm cho hơn 150.000 lao động; hơn 22.000 lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng, cải tạo hơn 109.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 7.800 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn đến năm 2030.
Tuyên Quang: Nghị định số 78, công cụ tài chính đắc lực trong mục tiêu giảm nghèo
Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn khẳng định Nghị định số 78 đã thể hiện vai trò là công cụ tài chính đắc lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Đến nay, mạng lưới điểm giao dịch của NHCSXH đã phủ kín 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 138 điểm giao dịch xã, phường cùng với hơn 2.370 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nhờ đó, người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời.
Đến 31/8/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 3.573 tỷ đồng, tăng 3.426 tỷ đồng, gấp 23,3 lần so với năm 2003. Doanh số cho vay đạt 9.851 tỷ đồng, với hơn 472.000 lượt hộ được vay vốn; có 94.296 hộ nghèo và các đối tượng chính sách với 121.159 món còn dư nợ.
Bên cạnh đó, mức cho vay bình quân/hộ qua các năm đã tăng lên (năm 2002 là 5 triệu đồng/hộ; đến 31/8/2022, đạt 37,8 triệu đồng/hộ).
Để đạt mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh trên 3%/năm, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị NHCSXH tỉnh phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, ngoài nguồn vốn từ Trung ương cấp, NHCSXH tỉnh cần huy động từ tổ chức, cá nhân, các nguồn hợp pháp khác để tăng nguồn vốn cho vay.
Hằng năm, tỉnh bố trí ngân sách địa phương ủy thác, bổ sung vốn cho NHCSXH; tập trung các nguồn vốn vay có nguồn gốc từ ngân sách về chung một đầu mối là NHCSXH để nguồn vốn này ngày càng lớn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nghèo…
Ninh Bình: Vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo tự lực vươn lên
Trong 20 năm qua, việc triển khai Nghị định số 78 tại tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thực hiện chính sách mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến 31/8/2022, tổng nguồn vốn tại NHCSXH tỉnh Ninh Bình đạt 3.182 tỷ đồng, tăng gấp 24,8 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định số 78.
Doanh số cho vay trong 20 năm đạt 9.844 tỷ đồng với 547.871 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Đến 31/8/2022, tổng dư nợ đạt 3.177 tỷ đồng, tăng 3.024 tỷ đồng và gấp 21 lần so với khi mới nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 18,5%, số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang dư nợ là 79.449 hộ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận đồng vốn tín dụng kịp thời, thuận lợi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khẳng định vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu- nghèo. Đặc biệt nguồn vốn ưu đãi còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, giúp doanh ngiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có vốn phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ...
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội và NHCSXH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.