In bài viết

Phát sinh thêm nhiều điểm sạt lở trên quốc lộ

(Chinhphu.vn) - Nước trên các sông phía Bắc dâng cao đã phát sinh thêm nhiều điểm ách tắc giao thông do sạt trượt, xói nền mặt đường hoặc do ngập nước. Trên quốc lộ hiện còn khoảng 124 vị trí đang bị tắc.

10/09/2024 15:50
Phát sinh thêm nhiều điểm sạt lở trên quốc lộ- Ảnh 1.

Sáng nay (10/9), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo sẽ không chạy tàu qua cầu Long Biên do nước sông Hồng dâng cao - Ảnh: Báo Giao thông

Phát sinh thêm nhiều điểm sạt lở

Trong báo cáo nhanh thiệt hại và công tác khắc phục do mưa bão số 3 gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến 9h sáng 10/9, một số vị trí trên các quốc lộ tiếp tục bị sạt lở, bị ngập nước do mưa hoàn lưu sau cơn bão số 3 gây ra, một số vị trí có nguy cơ đứt đường đang được trực gác, hót dọn đảm bảo giao thông.

Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã xử lý đảm bảo giao thông tại 72 vị trí bị tắc đường. Tuy nhiên, do tiếp tục có mưa, nước trên các sông phía Bắc dâng cao đã phát sinh thêm nhiều điểm tắc giao thông do sạt trượt, xói nền mặt đường hoặc do ngập nước. Trên một số quốc lộ, hiện nay còn khoảng 124 vị trí đang bị tắc.

Lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ I cho biết, trên hệ thống quốc lộ do đơn vị quản lý còn 39 điểm bị tắc giao thông. Mưa lớn gây ngập úng mặt đường và sạt lở ta luy dương, đất trôi tràn mặt đường tại 20 điểm trên quốc lộ 70 thuộc địa bàn tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

Mưa lớn cũng gây ngập úng mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút Phố Lu và nút IC19 lên Sapa); nút IC19 ùn do quốc lộ 4D lên Sapa bị tắc do cấm đường.

Tại Tuyên Quang, trên quốc lộ 279 còn 23 điểm ngập, tắc đường đang được tập trung xử lý đảm bảo giao thông.

Tại Lào Cai, trên hệ thống quốc lộ của tỉnh còn 14 điểm ngập gây ùn tắc gồm: tại Km271+500 quốc lộ 4 sạt lở taluy dương gây tắc đường, nước suối dâng cao gây ngập úng cục bộ, chiều sâu ngập trung bình 0,7-1m. Trên quốc lộ 4E ngập sâu, trung bình 1m tại Km13+500-Km13+700, Km15+550, Km17, Km20, Km28, Km100+306.

Phát sinh thêm nhiều điểm sạt lở trên quốc lộ- Ảnh 2.

Tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái) mưa lớn đã trôi sạt nhiều tuyến đường - Ảnh: Báo Giao thông

Tại Sơn La, trên quốc lộ 4G xảy ra sạt taluy dương gây tắc đường tại Km117+850. Trên quốc lộ 279D tắc đường tại Km80+230 do sụt taluy dương (trái tuyến).

Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung xử lý sự cố, mất an toàn giao thông trên hệ thông quốc lộ; các đơn vị quản lý đường bộ ứng trực, phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông; khẩn trương khắc phục để thông xe, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị cô lập.

Kiên quyết tạm dừng khai thác cầu không đảm bảo an toàn

Để tiếp tục tập trung công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của bão số 3 và mưa lũ sau bão, Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN) vừa có công điện yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ (Khu QLĐB), Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) và các đơn vị liên quan quyết liệt, khẩn trương, tập trung lực lượng tích cực thực hiện công tác khắc phục sự cố cầu Phong Châu trên QL32C, tỉnh Phú Thọ và các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường khác và kết cấu hạ tầng đường bộ bị ảnh hưởng, tác động, hư hỏng, sự cố do thiên tai, mưa lũ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây ra.

Các đơn vị tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, Cơ quan Công an, CSGT, các lực lượng khác và cơ quan, đơn vị có liên quan trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tăng cường phối hợp thực hiện công tác này giữa Khu QLĐB, Sở GTVT, nhà đầu tư BOT, VEC có công trình đường bộ trên địa bàn.

Chủ động, tích cực, kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng đường bộ để có phương án phân luồng giao thông sang tuyến khác, hoặc đường tránh có đủ điều kiện khai thác an toàn; kiên quyết tạm dừng khai thác, sử dụng vào mục đích giao thông để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia giao thông đối với các trường hợp sau:

Các công trình cầu không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng do thiên tai, mức nước dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, cầu yếu, các trường hợp có dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, an toàn công trình; Các vị trí ngầm, tràn nước ngập, chảy xiết.

Các đoạn đường bị sụt lở đứt đường, đứt một phần đường mà phần còn lại không bảo đảm an toàn giao thông. Các vị trí sạt lở ta luy dương toàn bộ mặt đường nhưng chưa khắc phục; cống và nền đường cuốn trôi chưa khắc phục.

Các bến phà, cầu phao mức nước sông, lưu tốc dòng chảy lớn quá quy định và các trường hợp chưa bảo đảm an toàn trong khai thác, sử dụng cho người, phương tiện tham gia giao thông và các trường hợp không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng khác.

Đối với các trường hợp mức độ hư hỏng, hạn chế của các tuyến đường và phương án phân luồng toàn bộ người, phương tiện giao thông sang các tuyến khác khó khăn, thì phải có biện pháp tổ chức giao thông phù hợp; hạn chế giao thông; chỉ đạo tổ chức trực gác điều tiết phân tán, giảm mật độ giao thông và tránh tập trung nhiều người và phương tiện cùng tham gia giao thông, bổ sung các báo hiệu đường bộ và các biện pháp an toàn khác. 

Kiểm tra đánh giá các công trình ATGT, các loại báo hiệu đường bộ để sửa chữa, thay thế, bổ sung kịp thời; Kiểm tra, đánh giá các bộ phận, hạng mục thiết bị điện, hệ thống dây dẫn điện lắp đặt vào kết cấu hạ tầng đường bộ, phục vụ vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ để bảo đảm an toàn điện;

Kiểm tra các máy móc, thiết bị trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe, các hệ thống máy móc, thiết bị khác để bảo đảm an toàn và khai thác, sử dụng hiệu quả và duy trì việc tổ chức trực công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Phan Trang