Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, các đợt mưa lũ tháng 7, tháng 8/2024 và cơn bão số 3, đoạn Km 88+750 - Km 88+810 Quốc lộ 15 C bị sụt lún toàn bộ mặt đường, chiều sâu khoảng từ 2,5-3 m với chiều dài khoảng 60 m.
Phía bên phải của tuyến đường ngôi nhà của hộ dân đã bị sập đổ hoàn toàn; phía taluy dương trái tuyến là trụ sở Đồn Biên phòng Pù Nhi cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên sân, hội trường...
Ngoài ra, đoạn từ Km 88+810 - Km 88+830 với chiều dài khoảng 20 m nền mặt đường đã xuất hiện vết nứt có nguy cơ sụt trượt. Trên đoạn tuyến xuất hiện nhiều vết nứt lớn cả bên phải và bên trái tuyến; phạm vi cung trượt chưa thể xác định được chính xác do điều kiện địa hình, địa chất phức tạp.
Ngày 8/9 Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo phân luồng giao thông qua vị trí sạt lở taluy âm, lún sụt nền mặt đường trên Quốc lộ 15C.
Để đảm bảo an toàn giao thông, chiều 9/9 Sở GTVT phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Quản lý đường bộ II Thanh Hóa huy động nhân lực, phương tiện đào xử lý toàn bộ nền mặt đường sụt lún sâu trung bình 2 m; đắp trả nền đường sụt lún đầm chặt; đào thay đất và hoàn trả lại kết cấu mặt đường, đảm bảo thông tuyến.
Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa Phạm Văn Tuấn cho biết, Sở đã báo cáo với Bộ GTVT và UBND tỉnh về thực trạng sụt lún của tuyến đường này và đưa ra phương án xử lý tạm thời để thông xe sớm nhất theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trước mắt, để đảm bảo giao thông, Sở GTVT báo cáo với Cục Đường bộ Việt Nam cho phép thực hiện giải pháp tạm thời tại tuyến đường này và tiếp tục theo dõi và đảm bảo giao thông tại đây.
Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, việc xử lý tạm thời vị trí đường giao thông hư hỏng tại Km 88+750 tại xã Pù Nhi sẽ hoàn thành xong trước ngày 15/9, tạo điều kiện thông xe toàn tuyến Quốc lộ 15C.
Về lâu dài, đây là cung trượt cần có giải pháp xử lý kiên cố, khảo sát, thiết kế và có phương án cầu cạn.
Do ảnh hưởng của bão số 3, tại huyện Mường Lát xảy ra dông lốc và mưa kéo dài khiến 89 hộ bị thiệt hại về nhà ở. Trong đó, có 1 hộ tại bản Ún, xã Mường Lý bị đất sạt lở trôi vào nhà; 1 hộ tại bản Pù Quăn, xã Pù Nhi có nhà bị tốc mái hoàn toàn; 8 hộ tại bản Hua Pù, xã Pù Nhi có nhà bị tốc mái từ 30-50%; 63 hộ ở thị trấn Mường Lát, xã Pù Nhi, xã Nhi Sơn có nhà bị tốc mái một phần (dưới 30%).
Ngoài ra, 2 hộ tại khu phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát bị cây đổ vào nhà; 5 hộ ở xã Pù Nhi bị sạt lở móng nhà...
Để sớm ổn định đời sống cho người dân, các cấp chính quyền huyện Mường Lát đã huy động các lực lượng chức năng, đoàn thể chính trị-xã hội xuống cơ sở giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Sáng 10/9, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa phát đi bản tin cảnh báo tiếp tục có mưa lớn kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp của tỉnh.
Đêm 9/9 và sáng sớm 10/9, Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 30-70 mm. Một số vùng mưa lớn trên 100 mm trong thời gian ngắn.
Trong những ngày tới, dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ sau có xu hướng dịch dần xuống phía Nam. Theo đó, từ ngày 10-12/9, Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh.
Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc của tỉnh dự báo đạt từ 80-150 mm, có nơi trên 200 mm; khu vực phía Nam và Tây Nam của tỉnh dự báo từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Từ ngày 13/9, mưa lớn ở Thanh Hoá mới giảm dần.
Trong đợt mưa này, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Lốc, sét và gió giật mạnh kèm mưa có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
HA