In bài viết

Phòng chống ma túy là nhiệm vụ của toàn xã hội, không 'khoán trắng' cho lực lượng công an

(Chinhphu.vn) - Sáng 17/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Quán triệt Kết luận số 132 năm 2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

17/04/2025 12:39
Phòng chống ma túy là nhiệm vụ của toàn xã hội, không 'khoán trắng' cho lực lượng công an- Ảnh 1.

Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Bộ Công an đến hội trường UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 400.000 đại biểu tham dự.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chủ trì hội nghị.

Theo Đại tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị, chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần sớm khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới.

Phòng chống ma túy là nhiệm vụ của toàn xã hội, không 'khoán trắng' cho lực lượng công an- Ảnh 2.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an: Tình hình ma túy, tội phạm và tệ nạn ma túy những năm gần đây đang đặt ra những áp lực mới, rất lớn, yêu cầu, nhiệm vụ mới cao hơn, khẩn trương, cấp bách hơn đối với công tác phòng, chống và kiểm soát chất ma túy - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh các vấn đề như: Tình hình ma túy, tội phạm và tệ nạn ma túy những năm gần đây đang đặt ra những áp lực mới, rất lớn, yêu cầu, nhiệm vụ mới cao hơn, khẩn trương, cấp bách hơn đối với công tác phòng, chống và kiểm soát chất ma túy.

Ngoài ra, qua công tác đấu tranh cho thấy một số giải pháp căn cơ trong phòng, chống và kiểm soát ma túy cần tập trung thực hiện có kết quả cụ thể như: "Kéo giảm bền vững nguồn cầu" về ma túy; xây dựng xã, phường thị trấn không ma túy, tiến tới tỉnh không ma túy và xã hội không ma túy; quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, tạo công ăn việc làm. Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là khu vực biên giới...

Việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trên cùng công tác đấu tranh của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và hợp tác quốc tế sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Phòng chống ma túy là nhiệm vụ của toàn xã hội, không 'khoán trắng' cho lực lượng công an- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long quán triệt những nội dung cơ bản, những vấn đề mới trong Kết luận số 132 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện của Chính phủ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã quán triệt những nội dung cơ bản, những vấn đề mới trong Kết luận số 132 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng, Kết luận số 132 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện của Chính phủ xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống ma túy và kỷ luật, kỷ cương trong công tác này; phòng, chống và kiểm soát ma tuý là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, không "khoán trắng" cho lực lượng công an.

Trong công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy, phải lấy phòng ngừa là chính, lấy địa bàn cơ sở, khu dân cư làm trọng tâm để triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống ma túy và nâng cao ý thức toàn dân trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, kiên trì xây dựng văn hóa bài trừ ma túy trong toàn xã hội.

Nắm chắc tình hình tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển, trên tuyến hàng không và trên không gian mạng; đấu tranh, khám phá cả đường dây, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu; triệt phá tận gốc các đường dây, tổ chức, băng nhóm, ổ nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, khẩn trương định danh và xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa chất, các chất, tiền chất về ma túy để kiểm soát chặt chẽ không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trong nội địa.

Quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, nhất là ở cơ sở, các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm và lực lượng chuyên trách phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống ma túy...

Phòng chống ma túy là nhiệm vụ của toàn xã hội, không 'khoán trắng' cho lực lượng công an- Ảnh 4.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú yêu cầu lực lượng công an nhân dân tiếp tục phát huy vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác tham mưu, triển khai rà soát các đối tượng mua bán, sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Phấn đấu đến hết năm 2030, ít nhất 50% đơn vị hành chính cấp xã "không ma tuý"

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ghi nhận kết quả thực hiện Chỉ thị số 36 trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng bảo vệ an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đối với việc triển khai thực hiện Kết luận số 132 trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức và quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ, có trách nhiệm về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy đối với bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của mọi người dân... Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tuyệt đối không được "khoán trắng" cho lực lượng công an.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy... Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu quán triệt và thực hiện tốt phương châm lấy phòng ngừa là chính, lấy địa bàn cơ sở, khu dân cư làm trọng tâm để triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Mỗi người dân phải là một cán bộ tuyên truyền, mỗi gia đình phải là một pháo đài phòng, chống ma túy...

Về rà soát, quản lý người nghiện và cai nghiện, Thường trực Ban Bí thư cho rằng cần tiến hành đồng bộ các giải pháp phòng, chống ma túy theo phương châm ngăn cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma tuý, trong đó thời gian tới phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp giảm cầu.

Hiện nay, số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta vẫn ở mức rất cao, ngày càng trẻ hoá và có xu hướng chuyển sang sử dụng ma tuý tổng hợp với độc tính cao. Do đó, phải tập trung các giải pháp quyết liệt kéo giảm bền vững được nguồn cầu của ma tuý. Cùng với đó là tổ chức tổng rà soát toàn diện số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn để tập trung giáo dục, cảm hóa...

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu lực lượng công an nhân dân tiếp tục phát huy vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác tham mưu, triển khai rà soát các đối tượng mua bán, sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Qua công tác rà soát, tập trung khẩn trương triệt xóa, vô hiệu hóa kịp thời các điểm, tụ điểm về ma túy, bắt giữ các đối tượng bán ma túy không để các điểm, tụ điểm tái hình thành sau khi được triệt xóa. Các cấp ủy, chính quyền địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, không được để tồn tại các "điểm nóng" về ma túy trên địa bàn làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.

Sau Hội nghị này, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Đảng ủy các bộ, ngành, các thành ủy, tỉnh ủy khẩn trương tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Kết luận 132 của Bộ Chính trị đến từng chi bộ, đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương; phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 có ít nhất 50% đơn vị hành chính cấp xã trên toàn quốc "không ma tuý".

Anh Thơ