Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu rõ, vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra nhiều thách thức đối với các nước, thu hút lớn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nước ta. Yêu cầu đặt ra là phải ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực, bảo đảm sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư của nước ta. Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng hành động và giải pháp đối với vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Danh Tú, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng: "Thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những vấn đề thời sự hiện nay".
Cụ thể là, tháng 6/2021 nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%, còn nếu nộp ở nước sở tại, nếu ở nước đầu tư có chênh lệch thì phải xử lý ở mặt bằng 15%. Đến tháng 7/2021 các nước G20 cũng đã thống nhất về giải pháp 2 trụ cột đối với thuế tối thiểu toàn cầu và chia sẻ thuế giữa các nước, đặc biệt là có những nền tảng công nghệ. Đến cuối năm 2022, OECD đã có 138 nước thống nhất về khung.
Về nguyên tắc, chúng ta thỏa thuận hợp tác quốc tế thì chúng ta cũng hội nhập nhưng không bắt buộc. Tuy nhiên các nước hiện nay đã tham gia và đã nội luật hóa dự kiến trong năm 2023 và có hiệu lực thi hành năm 2024.
Phó Thủ tướng cho biết, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội cũng rất quan tâm, có nhiều diễn đàn và có chỉ đạo về vấn đề này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá tác động để đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Tổ công tác đã có báo cáo và Thường trực Chính phủ đã họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo đánh giá tác động.
Tổ công tác sẽ đề xuất với Thủ tướng sau đó trình Chính phủ và trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới, nếu kịp thì trong tháng 10 về những chính sách thuế liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp. "Đây là một việc rất quan trọng và rất khó", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng: Triển vọng vốn FDI vào Việt Nam càng trở nên không lạc quan khi mà Luật Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024. Đồng thời, một chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt đối xử các quốc gia theo phe được xếp vào, khiến hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút FDI của chúng ta bị suy giảm hiệu lực, hiệu quả. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này.
Trả lời đại biểu về vấn đề thu hút vốn FDI trong bối cảnh nếu tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, một lần nữa Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất thời sự, chúng ta cũng phải đánh giá tác động phải hết sức nghiêm túc, khoa học và hết sức thực tiễn. Bởi vì, khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì nó sẽ tác động đến những cam kết thu hút đầu tư mà đặc biệt là thuế.
Do đó, phải xử lý một cách hết sức thận trọng, kỹ lưỡng và đảm bảo hết tất cả những nhân tố tác động của các cơ quan có thẩm quyền có liên quan. Ví dụ như hiện nay Chính phủ trình, có thể là báo cáo với Bộ Chính trị để Bộ Chính trị cho chủ trương hay là báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để sửa luật hoặc sửa những chính sách thu hút, ưu đãi khác, để không vi phạm đến cam kết quốc tế.
Đây là việc rất mới. Chính phủ ngoài việc phải xử lý những việc tồn đọng, còn phải xử lý và giải quyết những vấn đề phát sinh mới như thế. "Tôi cũng mong muốn trong thời gian tới các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng với Chính phủ xử lý những việc này", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, do tác động từ bên ngoài, việc thu hút vốn đầu tư hiện nay cũng gặp khó khăn, trong thời gian tới Chính phủ sẽ quan tâm và có những giải pháp phù hợp với tình hình để thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Đức