In bài viết

THUẾ QUAN HOA KỲ: Động thái mới của các nước

(Chinhphu.vn) - Sau khi nhận được thư về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã bắt đầu xem xét một "gói an ninh" toàn diện để tìm kiếm bước đột phá trong các cuộc đàm phán thuế quan giữa nước này với Mỹ.

12/07/2025 09:05
THUẾ QUAN HOA KỲ: Động thái mới của các nước- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Yeo Han Koo (phải) gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Ảnh: Yonhap News

Theo các nguồn tin trên, Hàn Quốc đã đánh giá nội bộ rằng đàm phán thuế quan sẽ khó đạt được tiến triển trong thời gian Washington gia hạn nếu chỉ bó hẹp các cuộc đàm phán trong những giới hạn thương mại Hàn-Mỹ hiện có.

Một quan chức cấp cao của chính phủ cho biết Hàn Quốc đang xem xét để trình bày quan điểm khác sau chuyến đi Mỹ của Cố vấn an ninh quốc gia Wi Sung Lak từ ngày 6/7 để hỗ trợ quá trình tham vấn về thuế quan.

Ông Wi Sung Lak đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng kiêm Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Marco Rubio, sau đó trở về nước vào ngày 9/7. Ngay sau chuyến đi này, cố vấn Wi Sung Lak đã có cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia. Ông cho biết đã đề xuất với Mỹ về việc thúc đẩy các cuộc tham vấn trong thời gian tới, cân nhắc tổng thể các yếu tố như thương mại, đầu tư, mua sắm và an ninh. Ngoại trưởng Rubio nhất trí với đề xuất này.

Về phía Hàn Quốc, chính phủ nước này tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn thuế quan, hoặc giảm mức thuế đến mức thấp nhất trong trường hợp phải thỏa hiệp.

Trong khi đó, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tại Washington vào ngày 9/7, Trưởng đoàn đàm phán thương mại thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Yeo Han Koo đã trở về nước. Phái đoàn Hàn Quốc đến Washington từ ngày 5/7. Trong thời gian thực hiện chuyến công tác này, ông Yeo Han Koo đã gặp Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer và có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Lutnick. Seoul đã đề nghị Washington gia hạn thời gian hoãn áp 25% thuế đối ứng, vốn dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/7, cũng như yêu cầu giảm mức thuế quan đối với một số sản phẩm như ô tô và thép.

Brazil để ngỏ khả năng đàm phán ngoại giao

Trong bức thư gửi tới Brazil hôm 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ áp thuế 50% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ đối tác này và mức thuế quan mới sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/8. Trước tình huống trên, mới đây, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết ông mong muốn tìm ra giải pháp ngoại giao, nhưng cũng tuyên bố sẽ áp thuế đáp trả tương xứng.

Trả lời báo giới trong nước, Tổng thống Lula da Silva cho biết vẫn ưu tiên đàm phán nhưng sẽ sẵn sàng đánh thuế 50% đối với hàng hóa của Mỹ. Theo một nguồn tin ngoại giao, Tổng thống Brazil sẽ không công bố biện pháp trả đũa nào cho đến khi mức thuế được chính thức áp dụng. Đồng thời, trong một động thái liên quan, ông Lula da Silva cũng cho biết chính phủ sẽ thành lập một ủy ban với các lãnh đạo doanh nghiệp Brazil để xem xét lại chính sách thương mại với Mỹ.

THUẾ QUAN HOA KỲ: Động thái mới của các nước- Ảnh 2.

Ngày 10/7, Lực lượng đặc nhiệm phục hồi kinh tế Singapore (SERT) công bố các biện pháp mục tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thích nghi với môi trường thuế quan bất ổn mới của Mỹ - Ảnh: CNA

Singapore đẩy mạnh hỗ trợ công ty và người lao động thích ứng với thuế quan của Mỹ

Ngày 10/7, Lực lượng đặc nhiệm phục hồi kinh tế Singapore (SERT) đã công bố các biện pháp mục tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thích nghi với môi trường thuế quan bất ổn mới của Mỹ.

Tại buổi cập nhật tiến độ công việc của SERT, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Tan See Leng thông báo Khoản tài trợ thích ứng doanh nghiệp sẽ được giới hạn ở mức 100.000 SGD cho mỗi công ty và yêu cầu các công ty đồng tài trợ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn do họ chiếm khoảng 2/3 lực lượng lao động của Singapore, trong đó một tỉ lệ đáng kể là người Singapore. Các công ty lớn hơn sẽ xem xét nhận mức hỗ trợ nhỏ hơn. Khoản tài trợ thích ứng doanh nghiệp này sẽ được triển khai vào tháng 10 tới.

Bộ trưởng Tan See Leng cho biết khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ 2 nhóm doanh nghiệp lớn trong thời hạn 2 năm. Đối với các công ty xuất khẩu sang và/hoặc có hoạt động tại các thị trường nước ngoài và chịu ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan, khoản tài trợ này sẽ bao gồm các dịch vụ tư vấn liên quan đến các hiệp định thương mại tự do và tuân thủ thương mại, các vấn đề pháp lý và hợp đồng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đa dạng hóa thị trường. Đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài, khoản tài trợ có thể giúp trang trải các chi phí tái cơ cấu như chi phí hậu cần và chi phí lưu kho.

IMF theo dõi sát diễn biến

Ngày 10/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đang theo dõi chặt chẽ các thông báo mới nhất của Mỹ liên quan tới thuế quan, đồng thời cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn và kêu gọi các quốc gia phối hợp nhằm duy trì một môi trường thương mại ổn định.

IMF cho biết sẽ công bố thêm thông tin chi tiết trong bản cập nhật "Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) tháng 4" vào cuối tháng 7, trước thời hạn đàm phán thương mại mới vào ngày 1/8.

Người phát ngôn IMF nêu rõ các diễn biến liên quan đến thương mại vẫn đang thay đổi nhanh chóng và mức độ bất định vẫn cao, theo đó nhấn mạnh quốc gia cần tiếp tục hợp tác xây dựng nhằm thúc đẩy một môi trường thương mại ổn định và cùng giải quyết những thách thức chung.

Hồi tháng 4, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng cho Mỹ, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác do tác động của các mức thuế cao kỷ lục, hiện ở mức cao nhất trong 100 năm qua và cảnh báo căng thẳng thương mại leo thang sẽ làm chậm tăng trưởng hơn nữa. Dù vậy, hoạt động kinh tế đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực do tình trạng tích trữ hàng trước thời điểm áp thuế, trong khi Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng các biện pháp thuế trả đũa sâu hơn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn cho rằng mức độ bất định còn lớn và tác động của thuế cao sẽ gia tăng trong nửa cuối năm nay.

Các công ty dược phẩm Mỹ chuẩn bị kế hoạch ứng phó tác động tiềm tàng

Ngành dược phẩm Mỹ đang phải nỗ lực chuẩn bị các kế hoạch ứng phó với nguy cơ giá thuốc tăng cao và biên lợi nhuận giảm trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đề xuất áp thuế tới 200% đối với các mặt hàng dược phẩm nhập khẩu.

Hôm 8/7, Tổng thống Trump thông báo ý định sẽ đánh thuế 200% đối với các mặt hàng dược phẩm nhập khẩu như một phần trong chiến lược thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ông cũng nói sẽ dành 12-18 tháng để các doanh nghiệp dược điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất về Mỹ trước khi chính thức áp thuế.

Nhóm các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ (PhRMA) công bố nghiên cứu cho thấy nếu thuế nhập khẩu chỉ ở mức 25%, giá thuốc tại nước này có thể tăng 12,9%.

Trước những bước đi của Tổng thống Trump, một số công ty dược phẩm toàn cầu như Novartis, Sanofi, Roche, Eli Lilly và Johnson&Johnson cam kết sẽ đầu tư số tiền lớn vào hoạt động tại Mỹ.

Hiện các công ty dược phẩm đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết dự kiến sẽ được thông báo vào cuối tháng này.