Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định rằng các nước bị Mỹ áp mức thuế quan mà ông gọi là "thuế đối ứng" sẽ bắt đầu phải trả mức thuế này từ ngày 1/8 tới - Nguồn: NBC
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump khẳng định: "Sẽ không có thay đổi nào về thời hạn hay các thay đổi khác. Nói một cách khác, việc trả thuế sẽ diễn ra theo đúng thời hạn. Sẽ không có việc gia hạn".
Quan điểm này được ông chủ Nhà Trắng đưa ra chỉ một ngày sau khi ngụ ý rằng có thể linh hoạt về thời hạn nói trên. Tối 7/7, ông Trump đã nói với báo giới rằng thời hạn 1/8 là "chắc chắn, nhưng không phải hoàn toàn 100%. Nếu các đối tác gọi điện bày tỏ mong muốn làm theo cách khác, chúng tôi sẵn sàng cân nhắc".
Ngày 8/7, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết nước này đã đề nghị chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét giảm thuế đối với ô tô, thép và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp nước này.
Đề xuất được đưa ra trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han Koo và người đồng cấp Mỹ Howard Lutnick ngày 7/7 tại Washington (Mỹ).
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề thương mại song phương, trong đó có thuế quan và hợp tác công nghiệp.
Bộ trưởng Yeo Han Koo nhấn mạnh cam kết của Seoul trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác sản xuất với Mỹ, đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump dành "đối xử ưu đãi" cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khi áp thuế đối với ô tô, thép và các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Cuối tuần qua, trong cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, Bộ trưởng Yeo Han Koo cũng đề xuất các biện pháp thiết lập khuôn khổ hợp tác sản xuất "đôi bên cùng có lợi" .
Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, ông Han Koo dự kiến có thêm một cuộc hội đàm với ông Lutnick vào ngày 9/7.
Hàn Quốc còn khoảng 3 tuần để kết thúc đàm phán thương mại với Mỹ sau khi Tổng thống Trump quyết định gia hạn thời điểm áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ đến ngày 1/8 nhằm tạo thêm không gian cho các cuộc đàm phán.
Ngày 8/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira bày tỏ lạc quan về việc bảo đảm mức thuế suất thấp hơn mức thuế 36% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, dựa trên đề xuất mới nhất từ Bangkok giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết hàng hóa của Mỹ xuống 0%.
Phát biển trên một kênh truyền hình địa phương, ông Pichai bày tỏ hy vọng Thái Lan sẽ kết thúc các cuộc đàm phán thương mại trước thời hạn ngày 1/8 do Mỹ đặt ra, đồng thời cho biết Tổng thống Mỹ đã áp mức thuế đối với Thái Lan mà không tính đến các đề xuất sửa đổi của nước này nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường thông qua xóa bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với một số hàng hóa.
Trong một nỗ lực vào phút chót để tránh mức thuế trừng phạt, Thái Lan đệ trình một đề xuất sửa đổi với phía Mỹ vào hôm 6/7 để gia tăng khối lượng thương mại song phương và giảm 70% thặng dư thương mại 46 tỷ USD của mình trong 5 năm. Các đề xuất bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng nông sản và công nghiệp của Mỹ, cũng như tăng mua năng lượng và máy bay phản lực Boeing.
Ông Pichai cho biết đề xuất mới nhất của Thái Lan "là một thỏa thuận tốt cho Mỹ và Thái Lan sẽ hạ thuế nhập khẩu đối với 90% sản phẩm của Mỹ", đồng thời nói thêm rằng ông bất ngờ khi lá thư mà Tổng thống Mỹ công bố ngày 8/7 (theo giờ Bangkok) vẫn giữ nguyên mức thuế 36% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Thái Lan vào năm ngoái, chiếm khoảng 18% tổng lượng hàng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Thái Lan tăng khoảng 15% nhờ các đơn hàng đặt trước, sau khi chính quyền Tổng thống Trump tạm dừng áp dụng mức thuế cao trong 90 ngày đến ngày 9/7.
Ngày 8/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm quan hệ thương mại cân bằng và cùng có lợi với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế nhập khẩu mới.
Một ngày trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố áp mức thuế 30% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nam Phi và quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Mỹ là đối tác thương mại song phương lớn thứ hai của Nam Phi, sau Trung Quốc. Ngoài phụ tùng ô tô và các mặt hàng chế tạo khác, Nam Phi cũng xuất khẩu các nông sản sang Mỹ. Quốc gia miền Nam châu Phi này có nguy cơ mất khoảng 35.000 việc làm trong ngành cam quýt nếu mức thuế cao hơn của Mỹ có hiệu lực.
Nam Phi vẫn đang đàm phán với Mỹ, với cuộc gặp gần nhất diễn ra ngày 23/6 tại thành phố Luanda (Angola) trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Mỹ - châu Phi. Ngày 8/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Nam Phi John Steenhuisen nhấn mạnh chính phủ nước này cần tận dụng thời gian vài tuần tới để tránh mức thuế quan mới.
Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Campuchia với Mỹ - Phó Thủ tướng Sun Chanthol ngày 8/7 hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump giảm mức thuế đe dọa từ 49% xuống 36% đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Phát biểu với báo giới tại Phnom Penh, Phó Thủ tướng Sun Chanthol coi đây là kết quả tích cực trong giai đoạn đầu đàm phán về thuế và kỳ vọng vẫn còn cơ hội đàm phán thêm để giảm tiếp mức thuế này.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 8/7 cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp với các bộ trưởng nhằm thảo luận chiến lược ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Tại cuộc họp, Thủ tướng Ishiba cho biết Nhật Bản đã nhận được đề xuất từ Mỹ về việc tiếp tục các cuộc thảo luận thương mại cho tới hạn chót mới, được ấn định là ngày 1/8.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, mức thuế 25% của Mỹ sẽ là "đòn đánh mạnh" vào các ngành như công nghiệp ô tô, sản xuất phụ tùng ô tô, nhôm, thép, chăn nuôi..., với thiệt hại có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Nhật Bản giảm 0,85%.
An Bình