Để tàu cá vỏ thép thật sự vươn khơi
Nghị định 67 sẽ được sửa đổi như thế nào, bổ sung giải pháp gì để tàu cá vươn khơi hiệu quả, bảo đảm cả kinh tế và quốc phòng là vấn đề được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ.
Trở lại thời điểm xây dựng Nghị định 67, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay hoàn cảnh ra đời của Nghị định 67 là khi giàn khoan 981 vi phạm vùng biển Việt Nam (tháng 5/2014), thời gian để chuẩn bị Nghị định này chỉ có 2 tháng.
Nghi định 67 ra đời với mục tiêu tạo một cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận tiện cho ngư dân xây dựng được một đội tàu cá vững mạnh hơn để ra khơi, đảm bảo cả kinh tế và an ninh quốc phòng.
Theo đó, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư và hạn vay tới 11 năm với lãi suất thấp nhất là 1%/năm.
Có thể nói đây là cơ chế tín dụng chưa từng có trong ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết việc ra đời Nghị định 67 đã giúp lực lượng khai thác biển có được đội tàu ngoài khơi từ 15 m trở lên với 31.000 tàu. Cùng với đó, sản lượng khai thác năm 2021 đã đạt 8,71 triệu tấn tấn tăng 11% so với thời kỳ Nghị định chưa được ban hành. Đặc biệt giá trị xuất khẩu thủy sản tăng khoảng 10% so với trước khi Nghị định 67 ra đời.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc trang bị được một đội tàu cá như trên không chỉ giúp tăng giá trị kinh tế biển mà ngành thủy sản còn góp phần giữ vững quốc phòng an ninh cùng các lực lượng trên biển như Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quân…
Nhìn nhận về quá trình thực hiện Nghị định 67, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết đến hết năm 2020 đã kết thúc cho vay đóng mới tàu theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67. Theo thống kê, tổng vốn đầu tư là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó giải ngân được hơn 2.800 tỷ đồng, còn lại còn 67,2% là nợ xấu.
Nói về nguyên tắc tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết việc lựa chọn chủ tàu là của chính quyền địa phương, xã, huyện, tỉnh. Sau đó, ngân hàng là đơn vị chủ trì thẩm định sẽ tư vấn, đồng thời dự toán được mang ra duyệt cũng theo yêu cầu từ địa phương. Nhưng trong quá trình thực hiện có những vướng mắc như: Giá đóng tàu tăng rất cao; khi đóng tàu giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu chưa có giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, theo thực tế khảo sát, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết: "Một số tàu vỏ sắt có chất lượng vỏ, chất lượng động cơ, các trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu".
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang chủ trì thực hiện việc sửa đổi Nghị định 67. Hiện nay đã có dự thảo lần thứ 3 và tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành và các địa phương tổ chức các hội thảo để đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Như phản ánh trong những loạt bài trước về một bất cập hiện nay mà ngư dân vướng phải là số nợ vay vốn từ Nghị định 67 hiện đang quá tải. Bộ NN&PTNT cho biết dự thảo Nghị định mới đặc biệt quan tâm về quy định cơ cấu lại nợ, chính sách chuyển đổi chủ tàu để tháo gỡ khoản vay nợ xấu với các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67.
Về cơ cấu lại nợ, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ điều chỉnh thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.
Theo dự thảo, các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với số lần không hạn chế nhưng tổng thời gian các lần gia hạn nợ không quá 1/3 thời gian cho vay ban đầu khi ký hợp đồng tín dụng.
Đặc biệt về chính sách chuyển đổi chủ tàu, theo dự thảo Nghị định mới, sẽ cho phép chuyển đổi chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nâng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.
Chủ tàu mới phải đủ năng lực tài chính với vốn tự có tối thiểu 30% khi mua lại tàu từ chủ cũ cùng với năng lực khai thác thủy sản được UBND tỉnh, thành phố xác nhận. Chủ tàu mới được ngân hàng thương mại xem xét cho vay để thanh toán một phần chi phí mua tàu theo quy định hiện hành nếu có nhu cầu.
Nhằm đơn giản thủ tục hành chính, giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép, thay cho việc thanh toán trước đây phải trải qua nhiều thủ tục, chứng từ, dự thảo Nghị định mới sẽ có các mức hỗ trợ với trình tự thủ tục, hồ sơ đơn giản hơn.
Cụ thể, hồ sơ chỉ gồm đơn đề nghị có xác nhận của UBND xã; bản hợp đồng, thanh lý hợp đồng duy tu, sửa chữa tàu cá, hóa đơn thanh toán; bản phô tô giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Ngư dân sẽ được nhận mức hỗ trợ 150 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 15-24 m; 200 triệu đồng với tàu từ 24-30 m; 250 triệu đồng với tàu từ 30 m trở lên.
Một trong những bất cập hiện hữu như Báo điện tử Chính phủ đã nêu là việc nhiều địa phương không quản lý được ngư dân ra biển đánh bắt cả những loại cá nhỏ, khiến nguy cơ nguồn lợi thủy sản bị tận diệt rất cao.
Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), dự thảo Nghị định sửa đổi tới đây sẽ có thêm các chính sách về nuôi biển, đồng thời quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển dự kiến sẽ được áp dụng như: Hỗ trợ chí phí lồng nuôi cá biển; hỗ trợ chi phí đầu tư mới nuôi nhuyễn thể, giáp xác, rong biển; hỗ trợ đầu tư các cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.
Chia sẻ về việc thực hiện Nghị định 67 thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Khi làm chính sách đặc thù bao giờ cũng có độ trễ. Việc tổ chức thực hiện rất quan trọng, các đơn vị, các địa phương phải làm việc hết sức nghiêm túc để đúc rút kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức thực hiện, lựa chọn thẩm định về giá đóng tàu, giám sát chất lượng cũng như trang thiết bị. Cơ chế, chính sách rất quan trọng nhưng tổ chức thực hiện là yếu tố quyết định thắng lợi của văn bản, của cơ chế chính sách".
Nhóm phóng viên