• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Để tàu cá vỏ thép thực sự vươn khơi

Kỳ 3: Ngân hàng cũng gặp khó

(Chinhphu.vn) - Như Báo Điện tử Chính phủ đề cập trước đó, tình hình khai thác, kinh doanh của các tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho ngân hàng, nợ xấu ở mức cao. Nhiều lần hòa giải không thành, cả ngân hàng và các chủ tàu đều rơi vào thế bế tắc, đành kéo nhau ra tòa để giải quyết.

22/05/2022 14:01
Bài 3: Ngân hàng cũng gặp khó - Ảnh 1.

Khai thác không hiệu quả, tàu vỏ thép ĐNa 9077 TS (bên phải) của ông Trần Văn Mười (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) neo bờ chờ phía ngân hàng cho vay xử lý - Ảnh: VGP/Thế Phong

Không kiểm soát được nguồn thu nhập của chủ tàu

Thực hiện Nghị định 67 đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 63 tàu cá đóng mới (gồm 24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép) với số tiền gần 720 tỷ đồng.

Trong số các tàu đóng mới, đến nay, có 24 tàu rơi vào nợ xấu với số tiền trên 258 tỷ đồng, chiếm 40,12% dư nợ cho vay. Các ngân hàng thương mại đã làm thủ tục khởi kiện ra tòa 22 tàu cá (BIDV Quảng Nam 16 tàu, Viettinbank 1 tàu, Agribank 4 tàu, BIDV Hội An 1 tàu). Trong số đó, một số tàu đang trong quá trình hòa giải, một số tàu đang thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản.

Theo BIDV Quảng Nam, bên cạnh các tàu ngừng hoạt động do không hiệu quả, một số tàu vẫn hoạt động cầm chừng và một số tàu hoạt động hiệu quả nhưng ý thức trả nợ kém dẫn đến toàn bộ dư nợ cho vay theo Nghị định 67 tại BIDV Quảng Nam đều chuyển sang nợ xấu.

Trong khi đó, các ngân hàng không kiểm soát được nguồn thu nhập từ hoạt động khai thác của các chủ tàu. Các thông tin hiện nay ngân hàng thu thập được không từ các nguồn công khai mà chủ yếu từ các nguồn thông tin khác như từ bạn lao động trên tàu, từ các đầu nậu chuyên thu mua….

"Không ít chủ tàu hay đưa ra các số liệu tự khai giảm sản lượng khai thác so với thực tế và tăng chi phí mỗi chuyến biển để lợi nhuận chuyến biển vừa đủ hoặc lỗ, qua đó trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Nguồn trả nợ chính trong thời gian qua của các chủ tàu chủ yếu từ nguồn tiền hỗ trợ nhiên liệu của Chính phủ", đại diện BIDV Quảng Nam cho hay.

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thành lập 4 Tổ công tác hỗ trợ ngân hàng kiểm soát nguồn thu nhập của các chủ tàu trên từng chuyến biển, hỗ trợ thu hồi nợ tại địa bàn Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình và Duy Xuyên, nhưng kết quả không mấy khả quan.

Bài 3: Ngân hàng cũng gặp khó - Ảnh 2.

Tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nằm bờ nhiều năm sau sự cố hỏng máy vào năm 2016 nên xảy ra kiện tụng kéo dài giữa ngư dân và công ty đóng tàu - Ảnh: VGP/Thế Phong

Ngân hàng khó thu hồi nợ xấu

Ghi nhận tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), nhiều chiếc tàu cá vỏ thép đang đắp chiếu, chờ ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ.

Ông Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là một ngư dân tiêu biểu của TP. Đà Nẵng nhưng vừa bị Ngân hàng BIDV Đà Nẵng khởi kiện ra tòa. Dư nợ đến ngày 31/3 của ông Mười là 15,6 tỷ đồng (nợ xấu nhóm 5).

Theo ông Mười, nguyên nhân phát sinh nợ xấu là do tình hình khai thác khó khăn, nguồn tài nguyên khan hiếm, tàu cá của ngư dân liên tục bị quấy nhiễu, hạn chế vùng biển khai thác. Năm 2020, tàu không đi biển. Từ đầu năm 2021 đến nay, tàu ông Mười có thực hiện 1 chuyến khai thác nhưng không hiệu quả nên không trả được nợ cho ngân hàng.

Nhận thấy chủ tàu không có khả năng thanh toán hết nợ xấu, khả năng thu hồi nợ xấu từ hoạt động khai thác là không khả thi; tài sản thế chấp cho khoản vay chính là tàu cá nhưng xuống cấp và giảm giá trị, vì vậy Ngân hàng BIDV chi nhánh Đà Nẵng vừa khởi kiện chủ tàu ra tòa, đồng thời thanh lý tài sản thu hồi nợ.

Ngoài trường hợp của ông Mười, nhiều ngư dân tại Đà Nẵng thuộc diện hầu tòa vì không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Đơn cử như ông Nguyễn Sương dư nợ trên 23,8 tỷ đồng, ông Trần Minh Tuấn dư nợ gần 27 tỷ đồng, Lê Văn Sang dư nợ trên 18,5 tỷ đồng…

Theo Ngân hàng BIDV Hải Vân, hiện nay tàu của ông Lê Văn Sang vẫn nằm bờ, máy móc thiết bị trên tàu bị tháo dỡ, khả năng đã bị thất thoát. Tình hình thực hiện thu nợ vay của ông Sang là rất khó khăn, vì vậy ngân hàng đã khởi kiện ra tòa.

Bài 3: Ngân hàng cũng gặp khó - Ảnh 4.

Tàu vỏ thép ĐNa 90945 TS của ông Đào Ngọc Minh Tâm (Đà Nẵng) không được duy tu, bão dưỡng khiến nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng - Ảnh: VGP/Thế Phong

Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 31/3/2022, tổng dư nợ cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 trên địa bàn Thành phố là 107,2 tỷ đồng với 8 tàu cá đang còn dư nợ. Trong đó, 1 tàu vay mua ngư lưới cụ trả nợ đúng hạn, còn 7 tàu cá đóng mới (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) của 6 chủ tàu đều phát sinh nợ xấu với dư nợ hơn 106 tỷ đồng.

Ngân hàng đề nghị có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù

Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đề xuất đối với chủ tàu chây ỳ, cố tình không trả nợ thì các ngân hàng tiếp tục khởi kiện và sẽ yêu cầu thi hành án. Đối với trường hợp năng lực khai thác yếu kém, ngư trường khai thác không thuận lợi thì tạo điều kiện để chủ tàu chuyển nghề phù hợp; hỗ trợ lãi suất cho chủ tàu đối với phần dư nợ quá hạn.

Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cũng đề nghị các ngân hàng thương mại cần cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu lãi sau để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.

"Đối với những trường hợp có biểu hiện ỷ lại, chây ỳ thì ngân hàng chủ động đề xuất giải pháp phù hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng để thu hồi nợ. Đối với trường hợp chủ tàu không còn khả năng trả, các ngân hàng nên xây dựng phương án chuyển đổi chủ sở hữu, khoanh nợ cho chủ tàu cũ và cơ cấu lại vốn vay cho chủ tàu mới để đảm bảo thực hiện chính sách có hiệu quả", ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định đề xuất.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Đà Nẵng đang tích cực tìm kiếm các đối tác mua lại tàu để thu hồi nợ. Tuy nhiên việc bán tàu cá gặp khó khăn vì không có ai mua.

Vietcombank Đà Nẵng cho biết, đối với 2 con tàu của ngư dân Nguyễn Sương, ngân hàng đã thông báo phát mãi tài sản và nhờ các chi nhánh trong toàn hệ thống giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua tài sản đấu giá. Mặc dù đã giảm giá lần 2 và thông báo đấu giá lần 3 nhưng vẫn chưa tìm kiếm được đối tác.

Bài 3: Ngân hàng cũng gặp khó - Ảnh 5.

Trục tời trên tàu vỏ thép ĐNa 90945 TS bị rỉ sét ăn mòn - Ảnh: VGP/Thế Phong

Để giảm tỉ lệ nợ xấu của các tàu cá vay vốn, NHNN chi nhánh Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho khách hàng vay vốn theo Nghị định 67 để tạo điều kiện cho các chủ tàu đi vào khai thác, tạo nguồn thu trả nợ cho ngân hàng; xem xét, đánh giá tác động và có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng xử lý các tài sản, đặc biệt là trường hợp phát mãi để thu hồi nợ những giá trị thu hồi thấp so với khoản nợ vay do tính đặc thù của tàu cá là ít người mua.

Nhóm phóng viên

Kỳ 4: Nghị định 67 phát triển tàu cá xa bờ: 'Vốn mồi' chứ không phải 'chìa khóa vàng'