Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để tàu cá vỏ thép thật sự vươn khơi
Khai thác phải tính tới tái tạo nguồn lợi thủy sản
Ông Nguyễn Sương (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, thời gian đầu tàu vỏ thép đi biển ổn định, sản xuất có doanh thu và trả nợ đều đặn cho ngân hàng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, liên tiếp mất mùa, nguồn thu từ biển giảm mạnh nên không trả được nợ vay.
"Trước đây, tôi đi biển khai thác có lãi, nay đi là lỗ vốn vì số lượng tàu đánh bắt quá nhiều. Khai thác quá khả năng phục hồi của tôm cá. Tàu cá tăng lên,phát sinh nhiều vấn đề như thiếu lao động, ngư trường suy kiệt. Sắm chiếc ô tô phải nghĩ đến chỗ đỗ, sắm tàu cá phải nghĩ đến chỗ để đánh bắt. Vùng biển thì có hạn mà tàu phát triển quá nhiều thì chỗ đâu mà khai thác", chủ tàu Nguyễn Sương trải lòng.
Ngư dân cho rằng, khi đề xuất với Chính phủ, các cơ quan chức năng đã không tính toán kỹ việc phát triển thêm một lượng tàu xa bờ quá lớn, nhiều tàu thiếu lao động đi biển sẽ phải nằm bờ.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng không quản lý được hoạt động đánh bắt, cá lớn nhỏ gì cũng bắt. Mỗi chuyến ra biển phí tổn rất lớn mà không bắt lấy gì bù chi phí.
Do đó, ông Sương cho rằng cần quản lý chặt hoạt động đánh bắt hải sản, nhất là hoạt động đánh bắt cá con, đánh bắt vùng biển ven bờ, kiểm soát tại cảng cá và cả nhà máy chế biến. Loại gì, kích cỡ nào thì cho phép khai thác, còn lại không cho tiêu thụ, làm ráo riết thì nghề này mới bền vững được.
Ông Sương cho biết, ở nước ta hiện nay không quy định về thời hạn tàu cá, có những con tàu tuổi thọ vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm, làm từ đời này sang đời khác cho đến khi mục nát thì thôi. Tàu cá hoạt động dưới nước rất nguy hiểm, vì vậy khi đến thời hạn phải hủy để đóng mới, tái tạo năng lực phát triển. Tàu cũ giảm, vùng biển và nguồn lợi hải sản sẽ được tái tạo.
Về chính sách phát triển tàu cá xa bờ, ngư dân cho rằng, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ đóng mới đối với các chủ tàu có năng lực, có nguồn vốn đối ứng khoảng 50% giá trị con tàu, để họ có trách nhiệm với đồng vốn của mình, không trông chờ, ỷ lại đồng vốn Nhà nước.
Theo tiến sĩ Kiều Thị Kính, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Việt Nam nằm trong danh sách 10 trung tâm đa dạng sinh học biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu do hải sản đem lại. Tuy nhiên, số lượng tàu cá lớn, khai thác quá trữ lượng cho phép làm cho nguồn lợi thủy sản đang trên đà suy giảm. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 95.000 chiếc đang hoạt động, với tổng công suất trên 10 triệu CV.
Một số địa phương chưa thể kiểm soát được cường lực khai thác cho phù hợp với nguồn lợi, thiếu chính sách chuyển đổi nghề khai thác xâm hại nguồn lợi sang khai thác thân thiện với môi trường và chưa triển khai thực hiện quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, Chính phủ và các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đối với công tác quản lý nguồn lợi thủy sản nói riêng và kinh tế biển nói chung để phát triển bền vững cũng như giữ gìn an ninh quốc gia.
Theo tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp, Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Bộ, thực tiễn triển khai đóng tàu vỏ thép ở miền Trung thời gian qua cho thấy, tàu vỏ thép khi đi vào hoạt động đánh bắt thường xuất hiện nhiều lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả sản xuất của ngư dân. Do đó, việc nghiên cứu thiết kế tàu mới, công suất cao cần thiết phải có sự tham gia toàn diện của ngư dân và hội nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá, các nhà khoa học hàng hải và kỹ sư khai thác hải sản.
"Cần lưu ý, các chính sách của Nhà nước trong phát triển đội tàu xa bờ không phải là "chìa khóa vàng" cho sự phát triển đội tàu khai thác hải sản hùng hậu trong tương lai, mà nó cần được xem là cơ chế "mồi", vốn "mồi", đầu tư "mồi" để tạo ra một đội tàu thí điểm, thành công điển hình, từ đó lôi kéo, nhân rộng, khuyến khích cộng đồng thay đổi nhận thức, đầu tư đội tàu khai thác hải sản xa bờ một cách bền vững" tiến sĩ Hoàng Hồng Hiệp cho hay.
Về lao động biển, ông Hiệp cho biết thực tế hiện nay các chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi bạn tàu tham gia hoạt động đánh bắt, nhiều tàu nằm bờ vì không có người đồng hành. Đội tàu công suất lớn của các địa phương vùng Nam Trung Bộ ngày một tăng theo hướng khai thác xa bờ nhưng đội tàu quy mô lớn, hiện đại ấy vẫn tiếp tục được vận hành bởi những người thuyền trưởng, ngư dân "cũ" với phương thức sản xuất truyền thống, thủ công, với tư duy "tiểu ngư". Điều này khiến việc phát huy tối đa hiệu quả các phương tiện và thiết bị đánh bắt tiên tiến, hiện đại trở nên hết sức khó khăn.
Do vậy, các địa phương phải chọn lọc lại, tập trung xây dựng đội ngũ ngư dân nòng cốt đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về lợi ích, những giá trị của việc tham gia các khóa đào tạo ngắn và trung hạn trong nâng cao năng suất và hiệu quả đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại, nhất là tập trung trước tiên vào đối tượng chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng.
Lâu dài thì cần có các lớp đào tạo cho thanh niên, thuyền viên về hoạt động đánh bắt xa bờ, tập trung vào các kiến thức về ngư trường, kỹ thuật đánh bắt, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phương thức đánh bắt và bảo quản sản phẩm; cách vận hành và sửa chữa các phương tiện, thiết bị, máy móc trong quá trình khai thác; trang bị các kiến thức về xử lý sự cố trên biển, pháp luật quốc gia và quốc tế khi tham gia đánh bắt ở ngư trường quốc tế.
Về cơ chế, chính sách, theo ông Hiệp, hiện nay phần lớn ngư dân tham gia đóng tàu theo Nghị định 67 có tâm lý chung rằng nếu làm ăn thua lỗ vẫn được Nhà nước hỗ trợ như khoanh nợ, xóa nợ hoặc nếu không thành công thì trả lại tàu cho Nhà nước để khấu trừ vào khoản nợ. Tâm lý ỷ lại cũng xuất hiện ở dự án đánh bắt xa bờ giai đoạn 1997-2003. Do vậy, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để cộng đồng ngư dân hiểu một cách đầy đủ, tường minh về tất các nội dung mà chính sách hướng đến và nhấn mạnh trách nhiệm của ngư dân khi tham gia dự án, nhất là phải đảm bảo nguyên tắc vốn đối ứng của chủ tàu.
Việc xét duyệt các chủ tàu tham gia đóng tàu xa bờ theo chính sách ưu đãi của Chính phủ phải khách quan, rõ ràng, bảo đảm có năng lực triển khai dự án chứ không phải lựa chọn bằng chủ quan, cảm tính, quan hệ thân hữu của cơ quan nhà nước địa phương khi xét chọn.
Nhóm phóng viên
Còn tiếp