Tối 28/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III - năm 2022. Đây là sự kiện ý nghĩa diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2022).
Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng những cán bộ công đoàn tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, công tác và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao, tích cực, sáng tạo và đổi mới trong phong trào công nhân, hoạt động công đoàn; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng, được đoàn viên và người lao động tin tưởng, tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chủ động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới được ứng dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức công đoàn hoặc lập thành tích xuất sắc đột xuất có phạm vi ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới phong trào công nhân, hoạt động công đoàn.
Từ 63 đề cử, qua các vòng lựa chọn chặt chẽ, Hội đồng Giải thưởng xét chọn đã đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam công nhận và tôn vinh 10 cán bộ công đoàn tiêu biểu.
Tới dự lễ trao giải có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, để ghi nhận và biểu dương những cán bộ công đoàn các cấp có thành tích xuất sắc tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động công đoàn, vì đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo và được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép tổ chức xét chọn và trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh - giải thưởng cao quý của tổ chức công đoàn Việt Nam mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người nổi tiếng với tư duy đổi mới, nói và làm, lý luận và thực tiễn phải đi cùng với nhau, người đã có thời gian giữ cương vị người đứng đầu tổ chức công đoàn Việt Nam.
"Với tinh thần hướng về cơ sở, Giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm nay tôn vinh 6 cán bộ công đoàn cơ sở, 2 cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 2 cán bộ LĐLĐ cấp tỉnh, ngành. Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề và vị trí công tác của các đồng chí khác nhau nhưng điểm chung các đồng chí đều là những cán bộ công đoàn nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, gắn bó với người lao động, lăn lộn với cơ sở, lo nỗi lo của đoàn viên, vui niềm vui của người lao động, được đồng nghiệp và người lao động tin yêu, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá", Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.
Chia sẻ về công tác công đoàn trong những ngày Bắc Giang là "điểm nóng" của dịch COVID-19, Chủ tịch LĐLĐ Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh – một trong 10 cán bộ công đoàn được trao tặng giải thưởng Nguyễn Văn Linh nhớ lại, tháng 5/2021, khi COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang, tỉnh đã quyết định phong tỏa 4 khu công nghiệp, dẫn đến việc 67.000 công nhân phải ở lại trong các nhà máy. Đây là áp lực rất lớn trong việc chăm lo, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống, việc làm, giữ vững tinh thần cho người lao động.
Để hỗ trợ công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã sáng tạo thành lập mô hình "Siêu thị 0 đồng". Ông Nguyễn Văn Cảnh cho biết: "Khi dịch bùng phát, nhiều người lao động rất hoang mang, lo sợ. Để đảm bảo hậu cần cho 67.000 người, mỗi ngày dự kiến cần 20 tấn gạo và 5 tỷ đồng để mua hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ngay khi đó, LĐLĐ tỉnh đã họp và quyết định thành lập 29 Siêu thị 0 đồng, đồng thời tổ chức quyên góp lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu, phân phát đến khu nhà trọ. Kết quả, mô hình này đã đảm bảo đời sống cho 67.000 công nhân lao động và một bộ phận nhân dân vượt qua đại dịch trong thời gian gần 2 tháng".
Trăn trở với Đề án "Xây dựng nhà trọ công nhân an toàn, văn minh" do LĐLĐ tỉnh đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt, Chủ tịch LĐLĐ Bắc Giang cho biết: "Bắc Giang có trên 300.000 công nhân lao động đang làm việc, trong đó có 70.000 công nhân lao động đang thuê trọ tại 60.000 phòng trọ - đây là lực lượng lao động đông mà tổ chức công đoàn cần quản lý. Hiện, Bắc Giang không còn nhà trọ xập xệ nhưng họ vẫn thiếu thốn nhiều thứ, nơi ở chật hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn… do đó, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức công đoàn".
Lễ tôn vinh và trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III, năm 2022 được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao cho 10 cá nhân tiêu biểu, gồm:
1- Đ/c Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang;
2- Đ/c Nguyễn Thiện Phú - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang;
3- Đ/c Nguyễn Anh Thư - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bến Lức (tỉnh Long An);
4- Đ/c Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng (thành phố Hà Nội);
5- Đ/c Doãn Thị Thu Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MCNEX Vina (tỉnh Ninh Bình);
6- Đ/c Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng 1 - Công ty cổ phần, Công đoàn Dệt May Việt Nam;
7- Đ/c Giang Thị Thu Hiền - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng);
8- Đ/c Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh);
9- Đ/c Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Công Tiến, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang);
10- Đ/c Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (tỉnh Bình Dương).
Thu Cúc