Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là những giải pháp được đưa ra để phục hồi và phát triển thị trường lao động tại Hội nghị về tình hình lao động và giải pháp công đoàn tham gia khôi phục thị trường lao động năm 2022, do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức ngày 4/3.
Nhu cầu lao động tăng cao
Theo báo cáo từ LĐLĐ các địa phương, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số đơn vị, địa phương người lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỉ lệ cao như Cần Thơ (100%), Đà Nẵng (99,8%), Quảng Ninh (98,8%), Thanh Hóa (98,7%), Tây Ninh (98,7%), Phú Thọ (98,5%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%)… Một số địa phương có tỉ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).
Tại nhiều địa phương, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch COVID-19) khá cao, như Hải Phòng (trên 42.000 người), Bắc Giang (22.000 người)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo dự báo, năm 2022, các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Cụ thể là Bình Dương cần khoảng 90.000 lao động, Long An cần 51.000, Hải Phòng cần trên 50.000, Tây Ninh khoảng 46.000, Kiên Giang cần 44.000, Cà Mau cần khoảng 35.000, Bắc Ninh cần từ 25.000-30.000, Hà Nội khoảng 26.000, Quảng Ninh cần 24.500, Bình Phước khoảng 18.000, Thừa Thiên Huế cần khoảng 12.000 lao động.
Nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giầy, điện tử, du lịch, nhóm lao động có trình độ (như quản lý sản xuất, văn phòng, đội ngũ có trình độ ngoại ngữ, xuất nhập khẩu….), tuyển lao động thời vụ. Dự báo, sự cạnh tranh trong việc tuyển dụng lao động sẽ gia tăng trong thời gian tới (giữa các doanh nghiệp với nhau và cả người lao động mới tham gia vào thị trường lao động với lực lượng lao động có kinh nghiệm, có nhu cầu thay đổi công việc).
Lý giải về tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra cục bộ tại một số địa phương, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, sau Tết, một bộ phận người lao động trở về quê (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung) chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía nam để làm việc, hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn gắn bó gần hơn với gia đình, nên không trở lại làm việc.
Mặt khác, các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, tuyển dụng thêm lao động với yêu cầu lao động phải có tay nghề, trong khi tiền lương và các chế độ khác chưa phù hợp. Ở nhiều địa phương, nguồn lao động chủ yếu là chưa qua đào tạo, tay nghề chưa cao, nên chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải chi phí cuộc sống, nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn, hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động.
Trao đổi về các giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Đoàn Trung cho rằng, những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động cần được theo dõi, đánh giá và có phương án xử lý thấu đáo, bảo đảm cơ sở vững chắc để nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất ngay khi dịch được khống chế. Cùng với đó cần có các chính sách khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động.
"Các cơ sở đào tạo nghề cũng cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp số lượng lớn nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho doanh nghiệp theo yêu cầu hiện nay. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn", ông Trần Đoàn Trung kiến nghị.
Đề xuất về các chính sách dài hạn, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của người lao động tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư.
Bên cạnh đó, xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã để tăng cường hiệu quả kết nối cung-cầu lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, đồng thời phục vụ cho công tác phân tích, dự báo cung-cầu lao động.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; xúc tiến kịp thời các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, như nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng động cho công nhân lao động.
Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện dân chủ, đảm bảo người lao động được thực hiện thực chất quyền dân chủ tại nơi làm việc và có chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở, tăng số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách tại các công đoàn cơ sở có đông lao động, đoàn viên.
Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động khi chính sách được ban hành, như hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng.
Phối hợp với các ngành chức năng trong tăng cường kết nối cung-cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để xác định nhu cầu tuyển dụng lao động, điều kiện tuyển dụng.
Thu Cúc